Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân

Khuyến khích lao động, sản xuất, gia tăng thu nhập

Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Chính sách giảm trừ gia cảnh góp phần điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư
Ảnh minh họa

Báo cáo tổng kết việc thi hành chính sách giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân từ năm 2020 (thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14) đến nay của Bộ Tài chính cho thấy, việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và cho người phụ thuộc vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đã quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12, được người nộp thuế biết và áp dụng từ 1/1/2009.

Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 đã điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Chính sách giảm trừ gia cảnh góp phần điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư
Số liệu người nộp thuế, người phụ thuộc của thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ năm 2020 đến 2023. Ảnh chụp màn hình

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Thuế ban hành các văn bản hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (số 636/TCT- DNNCN ngày 12/3/2021, số 883/TCT-DNNCN ngày 24/3/2022) hướng dẫn về cách tính giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc cho các cá nhân và tổ chức trả thu nhập thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương nắm tình hình vướng mắc trong quá trình triển khai; hướng dẫn, giải đáp kịp thời các vướng mắc về chính sách, công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân (trong đó chú trọng chính sách giảm trừ gia cảnh) cho người nộp thuế.

2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân Bộ Tài chính đề xuất:

Phương án 1: Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.

Phương án 2: Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế triển khai hệ thống dữ liệu thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc. Cung cấp các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân để người nộp thuế có thể kê khai và nộp tờ khai đăng ký cấp mã số thuế, tờ khai nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân đã được thực hiện qua cổng thông tin điện tử, cá nhân đã có thể đăng ký mã số thuế người phụ thuộc, đăng ký cấp mã số thuế, nộp hồ sơ quyết toán thuế trực tuyến trên hệ thống thông tin điện tử hoặc thông qua ứng dụng eTax Mobile,...

Thông tin về kết quả thực hiện chính sách giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết, chính sách giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư trong xã hội để động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư, khuyến khích mọi cá nhân tạo thêm sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng.

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành có quy định giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Người có thu nhập thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh thì chưa phải nộp thuế. Người có thu nhập cao hơn mức giảm trừ gia cảnh phải nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần gồm 7 bậc (5%; 10%; 15%; 20%; 25%; 30%; 35%).

Quy định nêu trên đã thể hiện nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế của người có thu nhập. Cụ thể: Người có thu nhập thấp thì chưa phải nộp thuế, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khác nhau thì mức nộp thuế khác nhau.

Về bản chất, quy định về giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh.... Vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội.

Cá nhân nộp thuế thu nhập có sự tăng giảm hàng năm

Việc thực hiện mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân, tăng thêm phần thu nhập cá nhân nắm giữ để phục vụ cuộc sống. Ví dụ như với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp..., thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Chính sách giảm trừ gia cảnh góp phần điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư
Số liệu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công giai đoạn từ 2020 đến 2023. Ảnh chụp màn hình

Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành Thuế trong năm 2020, 2021, 2022, 2023, số lượng cá nhân có tổng hợp thu nhập trong năm nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ bậc 1 đến bậc 7 có sự tăng giảm hàng năm.

Chính sách giảm trừ gia cảnh với mức hợp lý và ổn định trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo huy động nguồn lực để nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.

Trong đó, năm 2020 có hơn 2,3 triệu người nộp thuế với số thuế thu nhập cá nhân đạt 61.304 tỷ đồng; năm 2021 có gần 4,5 triệu người nộp thuế (bằng 195% so với năm 2020) với số thuế thu nhập cá nhân đạt 78.292 tỷ đồng (bằng 128% năm 2020); năm 2022 có gần 4,6 triệu người nộp thuế (bằng 102% so với năm 2021) với số thuế thu nhập cá nhân đạt 84.221 tỷ đồng (bằng 108% so với năm 2021); năm 2023 có hơn 3,8 triệu người nộp thuế (bằng 83% so với năm 2022) với số thuế thu nhập cá nhân đạt 73.598 tỷ đồng (bằng 87% so với năm 2022).

Phân chia theo các bậc thuế: Số thu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 (cá nhân nộp thuế ở mức cao 35%) cao nhất so với các bậc khác: năm 2021, 2022 hơn 40 nghìn tỷ đồng, năm 2020 và 2023 gần 40 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số thuế thu nhập cá nhân của 7 bậc.

Số thu thuế thu nhập cá nhân tại bậc 1, bậc 2 (mức thuế suất 5%, 10%) hàng năm khoảng gần 3 nghìn tỷ đồng đến hơn 4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng gần 6% của mỗi bậc.

Số thu thuế thu nhập cá nhân tại bậc 3 (mức thuế suất 15%) hàng năm từ hơn 4 nghìn tỷ đồng đến hơn 6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 7%.

Số thu thuế thu nhập cá nhân tại các bậc 4, 5, 6 hàng năm từ gần 6 nghìn tỷ đồng đến gần 9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 10% của mỗi bậc./.