Bộ Tài chính đề xuất rút biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đảm bảo tính công bằng, phù hợp với hoàn cảnh của người nộp thuế Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đảm bảo phương pháp tính thuế hoạt động chuyển nhượng chứng khoán minh bạch, dễ thực hiện

Mức giảm trừ có tính đến đặc thù, hoàn cảnh của người nộp thuế

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định..., số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020), nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân
Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: TN

Theo dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp..., thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo Bộ Tài chính, quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng, thể hiện nguyên tắc "công bằng" và “khả năng nộp thuế”, có tính đến đặc thù, hoàn cảnh của người nộp thuế. Theo đó, người có thu nhập cao hơn thì nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người phụ thuộc hơn thì nộp thuế ít hơn, người có thu nhập thấp chưa phải nộp thuế.

Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội, mức sống và thu nhập bình quân của người lao động.

Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua có ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...

Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau và sống ở các địa bàn khác nhau.

Đề xuất tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế đến 15,5 triệu đồng

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ngoài tham chiếu chỉ số CPI, còn tham chiếu thêm các yếu tố GDP bình quân đầu người, thu nhập bình quân lao động,...

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất các phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định như sau:

Phương án 1: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2025, chỉ số CPI lũy kế dự kiến tăng 21,24% thì có thể xem xét để điều chỉnh tương ứng với mức tăng của chỉ số CPI, cụ thể như sau: Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân
Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng GPD bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế. Ảnh: TN

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc theo biến động của chỉ số CPI theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và mức độ trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020).

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các phương án đề xuất nêu trên đều làm giảm thu ngân sách nhà nước, trong đó, số giảm thu theo phương án 1 là 12.000 tỷ đồng; số giảm thu theo phương án 2 là 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số giảm thu ngân sách nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.

Phương án 2: Căn cứ theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người năm 2025 so với năm 2020 nêu trên thì mức giảm trừ gia cảnh có thể điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng GPD bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế ở mức cao hơn, người dân được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống xã hội được nâng lên.

Thực hiện phương án này sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước ở mức cao hơn. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cao hơn, đồng nghĩa với số thuế phải nộp ít đi, thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, qua đó có thể gián tiếp làm tăng thu ngân sách nhà nước từ các nguồn thu khác trong trung và dài hạn./.