13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Xử lý nghiêm các hành vi giấu dịch, vận chuyển, buôn bán... lợn bị bệnh tả châu Phi

73% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép

Tại Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát giết mổ động vật do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức ngày 23/7, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, từ đầu năm đến 22.7, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, thành phố, số lợn mắc bệnh là 42.349 con, số lợn chết, buộc tiêu hủy là 43.375 con.

Hiện nay, còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Trong tháng 6 và 7/2025, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi gia tăng tại các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội...) và duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị...).

73% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép
Quang cảnh hội nghị.
Trước diễn biến và nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 109/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, nguyên nhân chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, chiếm tỉ lệ cao, không bảo đảm an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ động vật còn chưa được kiểm soát triệt để, một số cơ sở giết mổ vi pham pháp luật thú y, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, trong đó có tới 18.102 cơ sở (chiếm 73%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Nhìn nhận thực tế, ông Phan Quang Minh cho rằng, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương đang thiếu nguồn lực nên nhiều khi một nhân viên thú y phải thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ trên nhiều dây chuyền giết mổ, dẫn đến nhiều lúc chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định.

Chính quyền một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật bảo đảm vệ sinh thú ý, an toàn thực phẩm nên hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và không phép nhiều...

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh tại các chợ và cơ sở không phép vẫn phổ biến. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư bài bản lại hoạt động dưới công suất, làm giảm hiệu quả trong việc kiểm soát giết mổ động vật.

Có chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp xây dựng dây chuyền giết mổ hiện đại

Lý giải thêm vì sao còn nhiều cơ sở giết mổ "chui", đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, khó kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm vì lo ngại về việc chính quyền địa phương không có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm thịt được kiểm soát và không được kiểm soát.

Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, hiệu quả. Trong khi, việc đầu tư, kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn do quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu quyền sử dụng đất, giải tỏa đền bù và chính sách ưu đãi. Kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, đầu tư mang tính rủi ro cao. Nhiều địa phương có nhu cầu tiêu dùng ít, vì vậy không thu hút được nhà đầu tư.

Phí kiểm soát giết mổ còn thấp nên chưa khuyến khích được hoạt động giết mổ động vật tập trung...

Để tháo gỡ khó khăn này, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ bố trí quỹ đất và ban hành chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng mới hoặc chuyển đổi sang dây chuyền giết mổ động vật công nghiệp hoặc bán công nghiệp bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Kiểm soát giết mổ động vật chưa đạt yêu cầu, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan cao
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các lò mổ động vật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Trường hợp khó khăn trong việc kêu gọi xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp hoặc bán công nghiệp, Bộ sẽ đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng các cơ sở giết mổ. Sau khi hình thành và đi vào hoạt động, chỉ đạo các cơ quan liên quan với UBND cấp xã chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình, chỉ đạo các cơ quan liên quan vận động và có giải pháp triệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát và kiên quyết xử lý các cơ sở không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng Chăn nuôi và Thú y, Y tế, Công an, Quản lý thị trường... trong công tác quản lý hoạt động giết mổ đối với các cơ sở giết mổ, vận chuyển động vật...

"Phải rà soát, không thể để tình trạng xảy ra xấu hơn. Phải có chế tài đối với giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép, phải truy đến cùng để xử lý triệt để. Thiệt hại do dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội, tôi đề nghị phải sát sao, chặt chẽ và nghiêm túc đối với việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần Công điện 119/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ký" - ông Phùng Đức Tiến nói.

Số lượng cơ sở giết mổ nhiều, nhưng nhân lực làm công tác kiểm soát giết mổ thiếu, nên việc thực hiện kiểm soát giết mổ chỉ kiểm soát được khoảng 30% trong số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được cấp phép, nhất là tại một số tỉnh, thành phía Bắc.