Theo Nikkei, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại vào tháng 12 với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng. Cùng với đó, giá dầu giảm dẫn đến chi phí đầu vào tiếp tục giảm, từ đó dẫn đến giảm mạnh giá cả sản phẩm đầu ra của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, Nikkei cũng cho biết mức độ cải thiện các điều kiện kinh doanh chỉ ở mức thấp.

Yếu tố hỗ trợ cho ngành sản xuất tăng trưởng trong tháng này là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng lần đầu tiên trong 4 tháng, khi nhu cầu khách hàng được cải thiện. Lượng đơn hàng xuất khẩu cũng tăng trở lại vào tháng 12, với mức tăng mạnh đầu tiên kể từ tháng 5.

Lượng đơn hàng mới tăng dẫn đến gia tăng sản xuất trong tháng, sau khi chỉ tiêu này không thay đổi trong tháng 11. Sản lượng tăng phần lớn nhờ vào ngành sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản, trong khi lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng cũng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Nikkei cho biết vẫn có bằng chứng cho thấy năng lực sản xuất dự phòng tại các nhà sản xuất vì lượng công việc tồn đọng đã giảm lần thứ 6 trong vòng 7 tháng qua.

Lượng việc làm cũng tăng trở lại. Số lượng nhân sự đã tăng lần thứ 8 trong 9 tháng qua với mức tăng nhẹ.

Ngoài ra, giá cả đầu vào tiếp tục giảm trong tháng này, với nguyên nhân chính được các công ty đưa ra là do chi phí nguyên vật liệu giảm, cụ thể là giá dầu. Chi phí đầu vào đã giảm trong suốt 6 tháng qua.

Theo đó, giá bán hàng đã giảm tương ứng với chi phí đầu vào. Giá bán giảm trong các tháng kể từ tháng 10/2014 với tốc độ giảm mạnh trong tháng 12.

Lượng tồn kho cũng tăng lên sau khi giảm trong tháng 11 do các nhà sản xuất tăng mua hàng hóa đầu vào để đáp ứng lượng đơn hàng mới tăng lên.

Bình luận về chỉ số PMI Việt Nam, ông Andrew Harker, chuyên viên của Markit - đơn vị thu thập kết quả khảo sát, cho rằng năm 2015 là năm hỗn hợp của lĩnh vực sản xuất, với mức tăng trưởng mạnh trong nửa năm đầu và sau đó là sự chậm lại và đình trệ trong nửa năm sau. Chuyên viên này cũng cho biết các công ty đang kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2016./.

Theo Chinhphu.vn