Chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Duy trì chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế

Năm 2023, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những tác động của dịch Covid-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro, nguy cơ bất ổn gia tăng; xung đột Nga - Ukraine phức tạp hơn; xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Lạm phát có xu hướng giảm, nhưng còn ở mức cao, hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp, thậm chí có dấu hiệu suy thoái; thanh khoản của hệ thống ngân hàng còn khó khăn, lãi suất còn cao, chi phí vốn tăng, giá năng lượng, nguyên liệu đầu vào vẫn còn ở mức cao; nhu cầu hàng hóa nhập khẩu ở nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam giảm mạnh.

Chi ngân sách ưu tiên cho tăng trưởng xanh

Chính sách chi ngân sách đã ưu tiên cho tăng trưởng xanh, chi NSNN cho sự nghiệp BVMT ngày càng được cụ thể, rõ ràng, đầu tư công cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các Chương trình mục tiêu. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chi NSNN được đảm bảo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ở trong nước đã phát sinh các yếu tố tác động không thuận lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chi phí vốn tăng cao. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến. Đây là những yếu tố đã tác động trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN của ngành Tài chính.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp điều hành chính sách tài chính linh hoạt, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bền vững.

Về chính sách thu NSNN, hệ thống chính sách thuế nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã tập trung vào 2 nhóm chính sách đó là: Các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường (như thuế BVMT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, phí BVMT đối với khí thải...); Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT, giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, nhập khẩu; lệ phí trước bạ).

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong gần 4 năm qua, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí và tiền thuê đất lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2023, bên cạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp có thẩm quyền các chính sách tài khóa hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thuộc thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân, số tiền ước tính khoảng 700 tỷ đồng…

Chính sách tài khóa đối mặt với nhiều thách thức

Chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, mặc dù tổng thể tiến độ thu NSNN đạt khá, song chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất, thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đây là những khoản thu không ổn định, bền vững.

Cùng với đó, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp chậm, do một số vướng mắc trong việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của các địa phương đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, định giá tài sản.

Về chi NSNN, công tác triển khai phân bổ dự toán chi NSNN chậm, nhất là các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi, Chương trình mục tiêu quốc gia, giao chi tiết các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022 của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương…

Theo Bộ Tài chính, trong 2 năm tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm tăng cường sự bền vững thu NSNN cả về quy mô và cơ cấu.

Thực hiện quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính - NSNN gắn với hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Đẩy mạnh quản lý tài chính - ngân sách trung hạn, đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch nợ công, kế hoạch tài chính trung hạn, kiểm soát nhu cầu chi tiêu trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế…

Thời gian tới, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng... đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Với mục tiêu tìm những sáng kiến, giải pháp để thực hiện những định hướng lớn về tài chính- NSNN trong thời gian theo đúng Chiến lược Tài chính đến năm 2023, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững”. Diễn đàn được tổ chức hàng năm, đã quy tụ hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý để lắng nghe những sáng kiến để đề xuất chính sách tài chính phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.

Chính sách tài khóa xanh

Chính sách thuế, phí của Việt Nam ngày càng hoàn thiện theo hướng hạn chế tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; thúc đẩy sản xuất, đầu tư xanh; thúc đẩy tiêu dùng xanh. Minh chứng là năm 2010, Việt Nam đã ban hành Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 với mục tiêu đánh thuế vào các hàng hóa mà việc sử dụng các hàng hóa này gây ô nhiễm môi trường, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường; huy động thêm nguồn lực cho ngân sách, cũng như khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Thuế BVMT được xây dựng dựa trên nguyên tắc “người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm phải nộp thuế”.

Hay như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 khuyến khích sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Theo đó, ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học đã được áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Luật số 106/2016/QH13 điều chỉnh một số thuế xuất nhằm tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, trong đó có xe ô tô điện…

Mặc dù nhiều chính sách ưu đãi thuế được ban hành, nhưng chính sách thuế, phí của Việt Nam trên cơ sở tiếp cận công cụ kinh tế nói chung và thuế nói riêng cho mục tiêu BVMT còn chưa thực sự đủ mạnh để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Đây là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới./.