Chính sách tài khóa là động lực chính thúc đẩy, tạo đà tăng trưởng kinh tế
Nguồn: Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 29/11/2023. Đồ họa: Phương Anh

PV: Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông nhìn nhận thế nào về các chính sách này?

Chính sách tài khóa là động lực chính thúc đẩy, tạo đà tăng trưởng kinh tế
TS. Tô Hoài Nam

TS. Tô Hoài Nam: Tiếp tục phát huy những đóng góp tích cực của chính sách tài khóa đối với phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn sau đại dịch Covid-19, năm 2023 Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội tiếp tục ban hành nhiều chính sách tài khóa để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt ghi nhận là giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh; giảm mức thu hàng chục khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân…

Có thể nói, trong các gói hỗ trợ giảm thuế, việc giảm thuế GTGT 2%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có tác dụng trực tiếp giúp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần kiềm chế lạm phát trong năm nay.

Theo Bộ Tài chính, những gói hỗ trợ tài khóa năm 2023 gần 200 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn, thiết thực trong điều kiện các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu sụt giảm, lao động bị mất việc làm, các gói hỗ trợ tài khóa được ban hành kịp thời đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Nhiều doanh nghiệp, người dân cảm nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ, của Bộ Tài chính trước những khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu NSNN còn nhiều hạn hẹp, điều đó càng có ý nghĩa hơn.

PV: Trước những dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, mới đây, Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo ông, chính sách này sẽ hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 ra sao?

TS. Tô Hoài Nam: Theo tôi, việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 là hết sức cần thiết. Bởi năm 2024 được các tổ chức quốc tế dự báo là môi trường kinh tế thế giới và trong nước sẽ có sự phục hồi tốt hơn năm 2023. Tuy nhiên, những thách thức và khó khăn đối với nền kinh tế vẫn còn rất lớn, đặc biệt là tình trạng phục hồi chậm của những nền kinh tế lớn, trong đó có thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường trong nước đã có dấu hiệu phục hồi của nhiều lĩnh vực kinh tế chưa thực sự rõ ràng, nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phối hợp nhiều chính sách hỗ trợ các động lực tăng trưởng chính

TS. Tô Hoài Nam cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2024, ngoài các chính sách tài khóa, cần phối hợp thêm nhiều chính sách khác để hỗ trợ các động lực tăng trưởng chính như: tiếp tục kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính…

Vì vậy, giảm thuế GTGT 2% hầu hết các mặt hàng trong những tháng đầu năm 2024 cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mới đây sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí khi nhập nguyên liệu đầu vào, quay vòng vốn đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giá thành, tăng tiêu thụ hàng hóa... Đồng thời, về phía người tiêu dùng cũng tăng chi tiêu nhiều hơn khi giá thành hàng hóa được hạ xuống, kích thích “tổng cầu” trong nước. Từ đó, góp phần giảm áp lực lạm phát, tiếp đà phục hồi tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm.

Tôi cho rằng, mỗi chính sách đều có ý nghĩa và vai trò của nó, nhưng cộng hưởng tác động tích cực của nhiều chính sách sẽ tạo nên hiệu ứng lớn, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Theo đó, mức đóng góp cho NSNN sẽ tăng trưởng với những yếu tố bền vững, nền tảng cũng kiên cố hơn.

PV: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2024 mà Quốc hội vừa thông qua trong năm tới, ông có khuyến nghị gì về việc triển khai chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và nền kinh tế thời gian tới?

TS. Tô Hoài Nam: Như đã phân tích ở trên, năm 2024, việc áp dụng các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện khá tốt chính sách tài khóa nếu đặt trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam và tương quan với kinh tế thế giới. Việc thắt chặt, kiểm soát chi tiêu, quản lý nợ công hiệu quả hơn đã tạo thêm dư địa tài khóa của Việt Nam trong năm 2024 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Chính sách tài khóa là động lực chính thúc đẩy, tạo đà tăng trưởng kinh tế
Để hỗ trợ DN, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ DN, người dân trong năm 2023. Ảnh minh họa

Trong đó, rất cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 2%, có thể nghiên cứu mở rộng đối tượng ngành hàng được giảm thuế và kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế đến hết năm 2024; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng. Đầu tư công cần đầu tư tập trung, đồng bộ để vốn đầu tư sớm phát huy hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, chậm đưa công trình dự án vào khai thác vì thiếu tính đồng bộ.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo về chính sách tiền tệ, tài khóa để giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình và có biện pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp trước những tác động của kinh tế thế giới cũng như trong nước.

Bên cạnh đó, cách thức hỗ trợ chính sách tài khóa cũng cần một mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng mặt khác cũng cần hướng tác động đến việc thúc đẩy tăng trưởng những lĩnh vực mang tính chiến lược quốc gia như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao…. Để đưa kinh tế Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức, đổi mới và sáng tạo và phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện quyết liệt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp

Theo TS. Tô Hoài Nam, thời gian qua, nhờ những chính sách tài khóa quyết liệt từ Quốc hội, Chính phủ, đã hỗ trợ rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm 2023, một số ngành dịch vụ như vận tải, du lịch nội địa, kinh doanh ăn uống, lưu trú ... đã có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Đây là yếu tố rất tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp luôn tin tưởng vào sự điều hành chủ động, linh hoạt của Quốc hội và Chính phủ.