Chính sách tài khóa tạo dư địa để thúc đẩy tăng trưởng
Các gói hỗ trợ tài chính đã góp phần giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: TL

PV: Qua thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa cho người dân và doanh nghiệp phục hồi kinh tế (miễn, giảm, giãn thuế, phí; các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh; sửa đổi, bổ sung các luật về thuế) đã lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế trong thời gian vừa qua?

Chính sách tài khóa tạo dư địa để thúc đẩy tăng trưởng
GS.TS.Andreas Stoffers

GS.TS.Andreas Stoffers: Xây dựng và phát triển khả năng phục hồi mạnh mẽ tự thân là rất quan trọng để Việt Nam có thể đối phó với các cuộc khủng hoảng của hiện tại cũng như trong tương lai. Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong thời gian qua là gói hỗ trợ có quy mô lớn chưa có tiền lệ.

Việc ban hành các chính sách tài khóa này là cần thiết cho toàn xã hội, giúp các đối tượng cần hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp được tiếp cận mức thuế suất thấp, tiếp cận các gói hỗ trợ về đầu tư phát triển như y tế, hạ tầng, an sinh xã hội, việc làm.

Tôi tin chắc rằng, các gói hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp trong và sau giai đoạn Covid-19 đã góp phần đáng kể giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời cũng giúp Việt Nam không rơi vào vòng xoáy nợ nần. Yếu tố quan trọng nhất đối với khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong trung và dài hạn là sự cởi mở của đất nước đối với các nhà đầu tư và thương mại nước ngoài.

PV: Với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, có nên duy trì chính sách tài khóa mở rộng không, thưa ông?

GS.TS.Andreas Stoffers: Tôi đồng ý với những dự đoán rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng 6,5%/năm mà Quốc hội đặt ra vào cuối năm 2023 sẽ gặp nhiều thách thức. Những khó khăn, thách thức này chủ yếu do yếu tố ngoại sinh, do Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào chuỗi giá trị toàn cầu của nền kinh tế thế giới.

Trong tình huống như vậy, có nhiều lời kêu gọi can thiệp của chính phủ theo đường lối của chủ nghĩa tân Keynes (Chủ nghĩa can thiệp/bảo hộ của các chính phủ trong nỗ lực cố gắng điều tiết thị trường). Nhưng như chúng ta có thể quan sát thấy, đặc biệt là ở các nền kinh tế của Hoa Kỳ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu, hậu quả tai hại của chính sách tài khóa quá mở rộng cũng như chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo là một tín hiệu cảnh báo.

Vì lý do này, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên hết sức thận trọng trong việc xem xét các biện pháp can thiệp chính sách tài khóa của mình, đặc biệt là khi liên quan đến việc chi nhiều hơn số tiền thu.

Tuy nhiên, các biện pháp mở rộng chính sách tài khóa cũng có thể có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam trên cơ sở tạo ra khả năng phục hồi, nếu chúng được áp dụng một cách thận trọng. Việt Nam đã chứng minh điều này một cách ấn tượng trong giai đoạn dịch Covid-19, khi một mặt “cứu trợ khẩn cấp” khi cần, nhưng mặt khác nợ ngân sách nhà nước vẫn ở mức kiểm soát được.

PV: Từ nay đến cuối năm dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông có khuyến nghị gì về những ưu tiên trong điều hành chính sách tài khóa tại Việt Nam để vừa đảm bảo nguồn thu bền vững, vừa hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi, khơi thông các nguồn lực của nền kinh tế?

GS.TS.Andreas Stoffers: Một thách thức lớn về chính sách tài khóa là việc triển khai thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Trước đây, việc áp dụng mức thuế tương đối thấp đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực là một lợi thế lớn để Việt Nam thu hút vốn FDI.

Điều này chắc chắn sẽ không tiếp diễn với sự ra đời của thuế tối thiểu toàn cầu. Sau khi áp dụng, Việt Nam sẽ mất đi yếu tố hấp dẫn tài khóa. Vì vậy, cần phải có những biện pháp phù hợp kịp thời để giúp duy trì năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Các chính sách của Việt Nam hợp lý

Theo GS.TS Andreas Stoffers, điểm sáng có thể thấy của kinh tế Việt Nam là cơ sở chính sách của Việt Nam hợp lý, thể hiện qua: cam kết rõ ràng về tự do thương mại; ngân sách quốc gia lành mạnh, vẫn có thể quản lý được (tỷ lệ nợ trên GDP là 43,7%); môi trường kinh tế thân thiện với nhà đầu tư; chính sách kinh tế định hướng tự do.

Trong tương lai, tôi tin rằng các yếu tố quyết định sẽ là: độ mở và độ tin cậy của nền kinh tế; cơ sở hạ tầng tốt; hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế; dân số có trình độ học vấn cao; các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt đối với các nhà đầu tư: độ tin cậy của các quy định ban hành và sự ổn định chính trị. Vị trí địa lý trung tâm của Việt Nam ở Đông Nam Á và thị trường nội địa ngày càng hấp dẫn với 100 triệu người tiêu dùng tiềm năng là những điểm tích cực hơn nữa.

Các chính sách tài khóa và kinh tế của Việt Nam sẽ đóng vai trò quyết định ở đây, bao gồm cả việc đánh thuế cùng với thuế tối thiểu toàn cầu. Đối với các nhà đầu tư, độ tin cậy của các quy định và sự ổn định chính trị là rất quan trọng.

Về thủ tục hành chính, Việt Nam vẫn còn chỗ cần cải thiện, bao gồm việc đơn giản hóa đăng ký kinh doanh hay như cấp thị thực kinh doanh nhanh hơn và toàn diện hơn. Nhìn chung, sự cạnh tranh giữa các tỉnh riêng lẻ là đáng hoan nghênh, vì nó tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư tốt nhất. Các tỉnh có điều kiện tốt nhất (ngoài thuế) sẽ chiếm ưu thế.

Cuối cùng, theo tôi, điều cần thiết là duy trì chính sách kinh tế mở của Việt Nam. Ngoài ra, các đối tác thương mại và đầu tư nên được đa dạng hóa để giảm sự phụ thuộc một bên. Bên cạnh đó cần phát triển thêm các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ để giảm sự phụ thuộc đầu tư ở một số ngành công nghiệp.

Ví dụ, việc triển khai dự án Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh có thể có tác động tích cực tại đây trong trung và dài hạn và nâng Việt Nam lên một tầm cao mới trên con đường trở thành một quốc gia công nghiệp thịnh vượng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Điều hành chính sách tài khóa phải thận trọng, linh hoạt

Bình luận rõ thêm về việc Việt Nam nên hay không nên duy trì chính sách tài khóa mở rộng, GS.TS Andreas Stoffers cho rằng, nhìn chung, các biện pháp chính sách tài khóa mở rộng có thể là phù hợp nếu chúng thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách giảm thuế và nới lỏng đầu tư, hoặc rót vào những dự án cơ sở hạ tầng cần thiết, hoặc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, vấn đề là với bất kỳ sự can thiệp quá mức nào của chính phủ sẽ tạo ra một "vòng xoáy can thiệp" và góp phần tạo ra các tác động không tốt kéo theo thông qua các chính sách tiền tệ và tài khóa sai lầm. Các nhà kinh tế học của trường phái Áo, đầu tiên và quan trọng nhất là Ludwig von Mises đã chứng minh điều này một cách ấn tượng từ nhiều thập kỷ trước.

Có thể thấy việc can thiệp chính sách tài khóa mở rộng trong nhà nước phúc lợi như ở một số nền kinh tế phương Tây vừa qua không phải là hoạt động tài khóa hướng tới tương lai như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Các biện pháp chính sách tài khóa phải luôn mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn và không phải là mục đích để tang GDP một cách giả tạo mà không có tính bền vững. Vì vậy, điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần phải hết sức thận trọng, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để linh động xử lý cho phù hợp./.