PV: Các FTA đã có đóng góp rõ nét trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những năm qua, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ông có bình luận gì về kết quả này?

Chuyển hướng xúc tiến thương mại để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định

Ông Vũ Bá Phú: Có thể nói các FTA đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cho kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hai con số. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%. Trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều phát huy được hiệu quả.

Điển hình như 7 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam...

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số trong thời gian qua có sự góp sức của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được triển khai tại các thị trường, từ thị trường gần như các nước khu vực ASEAN, Trung Quốc đến các thị trường yêu cầu cao về các quy định chất lượng sản phẩm như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Úc, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, các thị trường mới Mexico, Peru, Chile, Ấn Độ...

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

PV: Xin ông cho biết đâu là thuận lợi cũng như thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi triển khai các hoạt động XTTM, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn?

Ông Vũ Bá Phú: Về thuận lợi, có thể thấy rõ ràng nhất là cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong các FTA tạo một cú hích lớn cho tăng trưởng xuất khẩu, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Với thị trường mở cửa và thông thoáng hơn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu cũng như các máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật chất lượng tốt và ổn định với mức giá cạnh tranh, qua đó nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu của mình.

Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030".

Đến nay, Bộ Công thương đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba.com nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử. Chương trình đã hỗ trợ trên 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước phát triển thị trường trên nền tảng số và đẩy mạnh phương thức kinh doanh thông qua thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, nhiều nước có FTA với Việt Nam như các nước thuộc EU, Hoa Kỳ,... có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao với hạ tầng thương mại phát triển, các sự kiện XTTM diễn ra tại các nước này luôn có quy mô lớn hàng đầu trên thế giới, thu hút được lượng lớn khách giao dịch từ các châu lục khác. Do vậy, việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động XTTM các thị trường lớn được đánh giá là rất thuận lợi và gia tăng được hiệu quả khi thực hiện ở một nước, nhưng có thể từ đó dễ dàng tiếp cận với các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng nhiều khu vực thị trường khác trên thế giới.

Về khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với sự cạnh tranh từ doanh nghiệp các nước cùng tham gia FTA, hơn nữa xu hướng tiêu dùng hiện nay ở các nước phát triển đòi hỏi cao các tiêu chuẩn, kỹ thuật về chất lượng, về sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… trong khi không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng đáp ứng được các yêu cầu. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của các nước cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, từng giai đoạn.

Nếu thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất thuận lợi khi thực hiện XTTM, tận dụng hiệu quả các cơ hội do các FTA mang lại, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

PV: Để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng Việt Nam từ các FTA đã ký kết, dưới góc độ cơ quan XTTM, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Vũ Bá Phú: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị; lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước từ thực hiện các cơ chế, chính sách XTTM, để tham gia hiệu quả vào thị trường thế giới, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị phù hợp, tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở khâu có giá trị cao.

Trong quá trình tham gia xuất khẩu đến thị trường mới, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chính sách của Nhà nước sở tại, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức XTTM xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động XTTM đảm bảo hoạt động sát thực, khả thi, hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa, thâm nhập thị trường FTAs, Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao ban XTTM với các thị trường ngoài nước thường kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022, là cầu nối quan trọng giữa hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trên cả nước.

Việc tổ chức hội nghị hàng tháng nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin cập nhật, chính sách, cơ hội thị trường mới từ các cơ quan thương vụ Việt Nam trên toàn cầu, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, các cơ quan XTTM từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng/điều chỉnh kế hoạch XTTM phù hợp.

Sau hội nghị đầu tiên được tổ chức vào ngày 29/7/2022, Bộ Công thương nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Các bên đánh giá cao việc tổ chức, ghi nhận hội nghị tạo cơ hội cho các cơ quan thương vụ ở ngoài nước và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được trao đổi thông tin cập nhật trực tiếp, các nhu cầu cần hỗ trợ về xúc tiến xuất khẩu, nhậu khẩu và các thông tin, tư vấn hữu ích từ các cơ quan thương vụ Việt Nam ở ngoài nước.