trang 7

Sau năm 2020, khi giá dịch vụ tính đủ chi phí, đa số bệnh viện phải tự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Vì vậy, trong văn bản tham gia ý kiến, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế cần ban hành ngay giá dịch vụ y tế tính đủ chi phí để làm căn cứ cấp bù kinh phí từ nguồn ngân sách cho các đơn vị.

Không tính vào giá dịch vụ các khoản chi phí ngân sách hỗ trợ

Bộ Tài chính cho rằng, phương pháp định giá, thẩm quyền và trình tự định giá dịch vụ y tế phải thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế phải được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí. Trong khi đó, việc quy định từng khoản chi tại Khoản 1 và 2 Điều 26 (dự thảo Nghị định) chưa đầy đủ các khoản chi phí. Cách phân biệt lộ trình tính giá dịch vụ khám, chữa bệnh được thanh toán từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và không thanh toán từ Quỹ BHYT trong cùng cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước không phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Vì vậy, để thống nhất với Nghị định 16/2015/NĐ-CP và các nghị định chuyên ngành khác, Bộ Tài chính đề nghị bỏ các Điều 26 đến 30 và sửa lại thành một Điều 25.

Cụ thể, giá dịch vụ tiêm chủng, giá dịch vụ kiểm dịch y tế, dịch vụ y tế dự phòng và giá dịch vụ khám sức khỏe, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được thực hiện theo quy định hiện hành. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá và giá dịch vụ y tế khác có sử dụng NSNN được xác định trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí như sau: Năm 2016 -2017 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp y tế được phép thực hiện trước lộ trình tính giá dịch vụ y tế và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước.

Về phương pháp định giá, thẩm quyền và trình tự định giá theo quy định của pháp luật về giá, không tính vào giá dịch vụ theo lộ trình các khoản chi phí đã được NSNN đảm bảo hoặc hỗ trợ từ các chương trình, đề án, dự án khác. Một số khoản phụ cấp đặc thù chỉ áp dụng cho một số đối tượng theo vùng, miền, đơn vị, ngành đặc thù theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đơn vị thực hiện thu theo mức giá quy định trong phạm vi khung giá dịch vụ y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và liên doanh, liên kết được tính đầy đủ chi phí và có tích lũy. Thủ trưởng cơ sở y tế được quyền quyết định mức giá nhưng không vượt quá mức tối đa của khung giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Đối với dịch vụ sử dụng tài sản từ nguồn vốn vay, huy động được tính thêm chi phí lãi vay vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Đối với giá dịch vụ y tế khác không sử dụng NSNN thì các đơn vị được tự xác định giá bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy theo quy định pháp luật về giá. Đối với phí dịch vụ y tế, các dịch vụ thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí, đơn vị sự nghiệp công được thu phí theo mức thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tính toán, làm rõ để trình Chính phủ việc kết cấu giá, lộ trình điều chỉnh giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ nguồn quỹ BHYT cho phù hợp với khả năng cân đối quỹ bảo hiểm; lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải gắn với lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT.

Làm rõ các trường hợp được Nhà nước đầu tư

Bộ Tài chính kiến nghị, đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, sau năm 2020 khi giá dịch vụ đã tính đầy đủ chi phí (bao gồm cả khấu hao tài sản, trang thiết bị) thì cần phải cân nhắc lại, làm rõ trường hợp nào mới được Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Về việc quy định các đơn vị trên được vay vốn của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để bổ sung vốn đầu tư và được sử dụng ngân sách chi đầu tư phát triển đã bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để trả nợ gốc, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định này vì việc quy định các đơn vị trên được vay vốn của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Quy định này chưa chắc bảo đảm được việc vay vốn tín dụng của ngân hàng thương mại có tăng tính khả thi hay không, đặc biệt, trong trường hợp kế hoạch bố trí vốn các năm sau không đủ để trả phần gốc và lãi vay sẽ gây nợ đọng xây dựng cơ bản, không kiểm soát được nợ công.

Hiện nay, một số cơ sở KB, CB tuyến huyện, trạm y tế xã chưa đáp ứng tốt về chất lượng khám, chữa bệnh. Mà theo quy định của Luật BHYT, từ nay đến 2021 sẽ thực hiện thông tuyến tỉnh và tuyến huyện, như vậy, các cơ sở này sẽ càng ít người đến khám, chữa bệnh. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế cần có giải pháp tinh giản biên chế, rà soát sắp xếp lại các cơ sở này cho phù hợp.

Bùi Tư - Phương Nguyên