dien luc

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang có chuyển biến tích cực.

Một số DN vừa được đưa vào danh mục phải thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 đã ngay lập tức nhập cuộc. Tuy nhiên, liệu sự thu hẹp đối tượng phải kiểm toán khi CPH của cơ chế mới có tạo kẽ hở, gây thất thoát vốn nhà nước?

Tháng 8 phê duyệt phương án CPH 7 DN

Theo báo cáo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong tháng 8/2017, có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong đó có 3 DN thuộc Danh mục DN CPH giai đoạn 2017 - 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ là: Tổng công ty thương mại và xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty TNHH MTV In Bắc Cạn; Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định. 4 DN tiếp tục triển khai công tác CPH theo đề án cơ cấu giai đoạn 2011 - 2016 là: Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ xây dựng Minh Thành; Công ty TNHH MTV Đồng Tân; Công ty TNHH MTV Xuân Khánh; Công ty TNHH MTV 29.

Lũy kế 8 tháng năm 2017, đã có 33 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 10/44 DN thuộc Danh mục DNNN hoàn thành CPH năm 2017, ban hành kèm theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. 23 đơn vị tiếp tục triển khai công tác CPH theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2016.

Tổng giá trị thực tế của 33 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 80.636 tỷ đồng. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 33 đơn vị là 25.509 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 12.467 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.814 tỷ đồng, bán cho người lao động 199 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng. Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.008 tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ CPH như các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; công bố giá trị DN tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; phê duyệt phương án cổ phần hóa của Tổng công ty ĐTPT đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Tổng công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – Becamex, Tổng công ty thương mại và xuất nhập khẩu Thanh Lễ…

Nới rộng DN CPH phải kiểm toán có thất thoát vốn?

Tại Hội thảo quốc tế “Xác định giá trị DN trước khi CPH và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Trong năm 2016, qua kiểm toán 8 DNNN CPH, đơn vị này đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng. Lý do được cho là các nhà tư vấn định giá không sát. Trong đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn được kiến nghị tăng hơn 4.586 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam được kiến nghị tăng hơn 2.000 tỷ đồng…

Điều này khiến một số ý kiến lo ngại rằng: Việc dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về CPH DNNN nới rộng đối tượng phải kiểm toán khi CPH sẽ tạo kẽ hở gây thất thoát vốn nhà nước. Cụ thể, theo Nghị định 59, các DNNN có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên khi CPH phải có sự tham gia kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo nghị định sửa đổi đã thu hẹp đối tượng buộc phải kiểm toán lên mức có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Sự thay đổi này được Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước thống nhất, lý do là để đẩy nhanh tiến độ CPH, khi mà Kiểm toán Nhà nước luôn có kế hoạch kiểm toán hàng năm từ trước và không thể tham gia hết các DN CPH.

Tuy nhiên, cũng không phải vì lý do này sẽ tạo kẽ hở cho thất thoát. Theo Ban Soạn thảo nghị định, dự thảo đã được sửa đổi theo hướng ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn. Theo đó, sẽ nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá trị DN. Bên cạnh đó, dự thảo quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm quyết định CPH, thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013. Đây là quy định mang tính ngăn ngừa từ trước chứ không chỉ mang tính hậu kiểm. Trong trường hợp cần, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tham gia kiểm toán theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Lũy kế 8 tháng năm 2017, các DN đã thoái vốn được 3.713 tỷ đồng, thu về 15.803 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 8 tháng đầu năm 2017). Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 105 tỷ đồng, thu về 105 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 2.210 tỷ đồng, thu về 3.456 tỷ đồng. Đối với SCIC, trong 8 tháng đơn vị này đã bán vốn tại 21 DN với giá trị là 1.396 tỷ đồng, thu về 12.240 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng).

Hà Minh