PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi bổ sung một số điều về các nghị định về chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Nghị định 08 được ban hành thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ đối với sự phát triển của thị trường. Nghị định 08 đã hình thành các khuôn khổ pháp lý chính thức hỗ trợ doanh nghiệp chân chính có biện pháp tái cấu trúc nợ trên nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện với nhà đầu tư để vượt qua giai đoạn khó khăn do các biến động khách quan, bất khả kháng của môi trường kinh doanh; đồng thời giãn thời hạn áp dụng một số quy định mới nhằm giúp các thành phần tham gia thị trường có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc chỉ gia hạn thay vì xoá bỏ các chính sách này cho thấy Chính phủ vẫn kiên định hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành theo phương thức riêng lẻ.

Thực tế, thị trường TPDN phát hành theo phương thức riêng lẻ thời gian qua bị tác động tiêu cực bởi cả yếu tố khách quan bất khả kháng là đại dịch Covid-19 kéo dài, lẫn yếu tố mất niềm tin của nhà đầu tư do một số doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm pháp luật, dẫn đến thị trường TPDN bị ngưng trệ. Việc đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp hoạt động chân chính từng bước cơ cấu lại nợ và từng bước phục hồi sau dịch là vô cùng cần thiết.

PV: Thời gian qua có một số ý kiến cho rằng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP (ban hành tháng 12/2020) đã để không gian quá thoáng, nhưng sau đó Nghị định 65/2022/NĐ-CP (ban hành tháng 9/2022) lại thắt lại quá chặt. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Tôi không nghĩ như vậy. Sự phát triển của thị trường TPDN hay bất kỳ thị trường nào cũng là quá trình phát triển nhận thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mọi thành phần tham gia thị trường chứ không ai tự nhiên biết và lường hết trước mọi biến số phát sinh.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố minh bạch.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố minh bạch.

Tinh thần của Nghị định 65 là kế thừa các chính sách và nghị định đã ban hành trước để hướng thị trường tới sự phát triển minh bạch chuyên nghiệp và bền vững hơn. Cụ thể, Nghị định 65 cơ bản không “siết chặt” hay đưa ra thêm các tiêu chí cao hơn với tổ chức phảt hành trái phiếu riêng lẻ mà chỉ đưa ra các yêu cầu về nâng cao minh bạch, chuyên nghiệp của tổ chức phát hành, tổ chức trung gian tư vấn phát hành, phân phối, kiểm toán, định hạng tín nhiệm… Điều đó nhằm tăng trách nhiệm công bố thông tin minh bạch và chuẩn hóa, chuyên nghiệp hoá quy trình phát hành, tư vấn, kiếm toán, xếp hạng tín nhiệm… của các bên liên quan.

PV: Ngoài các yếu tố về pháp lý, theo ông đâu là các yếu tố cần thiết để thị trường phát triển bền vững và giải pháp cho vấn đề này là gì?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Theo tôi, yếu tố gốc rễ tạo ra sự phát triển bền vững của thị trường chính là chất lượng của các doanh nghiệp huy động vốn. Doanh nghiệp phát hành kinh doanh tốt, làm ăn hiệu quả để trả lại lợi nhuận theo cam kết cho các nhà đầu tư là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, thị trường phải đảm bảo yếu tố minh bạch, chuyên nghiệp, hiểu biết của các thành phần tham gia thị trường.

PV: Ngoài TPDN, trái phiếu chính phủ thời gian qua được phát hành khá đều đặn và giao dịch ổn định. Theo ông, trái phiếu chính phủ nên có sự liên thông như thế nào với TPDN để khai thác tối ưu vai trò dẫn dắt của thị trường trái phiếu chính phủ đối với thị trường TPDN?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Thị trường trái phiếu chính phủ thời gian qua đã vận hành rất ổn định, hiệu quả và đó là một trong những yếu tố nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài của toàn bộ thị trường trái phiếu nói chung. Tuy nhiên, để liên thông tốt hơn nhằm khai thác tối ưu vai trò dẫn dắt của trái phiếu chính phủ, các chủ thể phải được đánh giá trên một tiêu chuẩn chung, qua đó lãi suất trái phiếu chính phủ mới dễ được sử dụng để làm tham chiếu cho TPDN.

Một số yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến thị trái phiếu doanh nghiệp

Từ tháng 9/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ khi lãi suất tăng mạnh, tỷ giá biến động.

Tháng 10/2022, vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hiện tượng người dân rút tiền tại Ngân hàng SCB cũng đã khiến cho các diễn biến trên thị trường tài chính xoay chuyển nhanh chóng. Thị trường tài chính, tiền tệ đối diện với nhiều khó khăn, thị trường trái phiếu trở nên trầm lắng, doanh nghiệp khó huy động vốn do ảnh hưởng từ tâm lý nhà đầu tư.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản, về dòng tiền đến từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có cả các yếu tố về tín dụng và thị trường bất động sản chậm lưu chuyển... Những khó khăn này cũng ảnh hưởng ngược trở lại tới thị trường trái phiếu.

Ngoài ra, trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài được phát hành khá dồi dào, nhưng trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn (dưới 5 năm) còn khá ít. Trong khi đó, TPDN thì đa phần là trái phiếu kỳ hạn ngắn nên không có nhiều sản phẩm cùng kỳ hạn giữa 2 loại trái phiếu này để đối chiếu so sánh. Do đó tôi cho rằng, trong việc phát triển thị trường vốn, trái phiếu chính phủ bên cạnh mục tiêu huy động vốn để phục vụ các nhu cầu đầu tư công, thì một yếu tố nữa cũng cần quan tâm hơn là nên cân đối đa dạng hóa kỳ hạn để có công cụ đối chiếu với các kỳ hạn tương tự của TPDN. Việc này sẽ giúp cho trái phiếu chính phủ phát huy thêm một vai trò nữa là làm trụ cột để phát triển thị trường TPDN về mặt lâu dài.

PV: Xin cảm ơn ông!