Ngày 6/12 tại Hà Nội, Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề “Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam” đã được tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tìm hiểu tiềm năng biến đổi của công nghệ mới, công nghiệp 4.0 và cách mạng kỹ thuật số.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo là
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn và tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn - nói cách khác là tránh bẫy thu nhập trung bình”.

Theo ông Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam, rất ít quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình khi tăng trưởng năng suất có xu hướng chậm lại hoặc đảo chiều ở mức 50% năng suất lao động của Hoa Kỳ. Tăng trưởng hàng sản xuất xuất khẩu tại khu vực Đông Nam Á đã chậm lại sau khủng hoảng tài chính Đông Á, ngoại trừ Việt Nam vẫn duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động.

Vị chuyên gia này cho rằng, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam muốn duy trì tăng năng suất đòi hỏi phải nâng cấp công nghệ và đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), cơ sở hạ tầng và trợ cấp trực tiếp cho các hoạt động thâm dụng vốn để đạt lợi thế kinh tế theo quy mô.

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định, trong bối cảnh mới, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, Việt Nam đang mất dần lợi thế so sánh về chi phí lao động thấp và phân khúc giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, với độ mở nền kinh tế cao nên Việt Nam dễ bị tổn thương trước chiến tranh thương mại và bảo hộ địa phương tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là "đòn bẩy" quan trọng để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bắt kịp về công nghệ là cơ hội cho Việt Nam vì đây là con đường phát triển duy nhất với Việt Nam, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế, chuyển từ công nghệ “thay thế” sang công nghệ “hỗ trợ” trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thông qua đổi mới sáng tạo.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng, tình hình địa chính trị thế giới gần đây và cạnh tranh về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghệ cốt lõi mới đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh cách tiếp cận. Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện (vốn, nhân lực, cơ chế khuyến khích) phù hợp với sự thay đổi của dòng đầu tư.

Trong đó, tầm nhìn và xu hướng công nghệ cần tập trung vào: dữ liệu lớn, AI/ML (trí tuệ nhân tạo/học máy), robot, IoT (internet vạn vật), điện toán đám mây và điện toán biên; công nghệ sinh học, năng lượng và môi trường. Đặc biệt chú trọng vào chuyển đổi số, thành phố thông minh hay tập trung vào ngành bán dẫn…

Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam được UNDP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng năm 2021, là sự kiện thường niên được thiết kế nhằm tạo ra một nền tảng mới, không chính thức để thảo luận về tình hình kinh tế và chính sách phát triển của Việt Nam. Diễn đàn nhằm khuyến khích đối thoại về các vấn đề kinh tế, kết hợp nhiều tiếng nói đa dạng ngoài phạm vi thông thường.