tt

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 8/2021 tăng 0,25%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; nhóm giáo dục tăng 0,04% và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. 4 nhóm hàng giảm giá là nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 8/2021 tăng 2,82%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất 13,63% so với tháng 8/2020, chủ yếu do giá xăng dầu tăng. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,34%. Nhóm giáo dục tăng 3,98%. Ở chiều ngược lại, nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,92%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,85% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

So với tháng 12/2020, CPI tháng 8 tăng 2,51%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá (nhóm bưu chính, viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm lần lượt 0,63% và 0,38%).

Tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016. Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm. Giá gas tăng 20,26% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44%, làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình. Giá gạo trong nước tăng 6,68% và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6% cũng góp phần làm CPI tăng.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm giảm CPI 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm 0,38%. Giá điện sinh hoạt bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0,83% so với cùng kỳ năm 2020, do thực hiện các gói hỗ trợ giảm tiền điện. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại cũng khiến giá vé tàu hỏa 8 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 19,85%; giá du lịch trọn gói giảm 2,76%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011./.

Dương An