Nguy cơ doanh nghiệp, nhà đầu tư kiện Chính phủ
Đánh giá về CPTPP, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, hiệp định này với các quy định “mở”, linh hoạt sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ cao và nâng cao trình độ quản trị, giúp chúng ta tận dụng được các cơ hội thương mại. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, cam kết của CPTPP sẽ đem lại cho nước ta nhiều nhà đầu tư tốt hơn, loại bỏ được những nhà đầu tư yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, không minh bạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi đó thì những cam kết và quy định trong CPTPP cũng đặt Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước vào hoàn cảnh mới với nhiều thách thức, đòi hỏi cao.
Theo đó, một điểm mới và tiến bộ chưa từng có của CPTPP so với các FTA (hiệp định tự do thương mại) khác là cho phép doanh nghiệp kiện chính phủ hay chính phủ kiện chính phủ về các dự án đầu tư, kinh doanh.
Báo cáo của Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, CPTPP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành khởi kiện ra cơ quan trọng tài quốc tế trong một số trường hợp khi quyền lợi của nhà đầu tư bị chính quyền nước sở tại xâm phạm trái với các tiêu chuẩn được hiệp định đặt ra.
“Ví dụ nhà đầu tư nước ngoài có quyền khởi kiện khi quyền lợi bị xâm phạm như trưng thu, tước quyền sở hữu, tiêu chuẩn đối xử tối thiểu… ngoại trừ trường hợp có tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các cam kết hay nghĩa vụ của hợp đồng đầu tư và chấp thuận đầu tư” - báo cáo của Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước chủ nhà và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước sở tại nếu vi phạm các quy định về đầu tư, kinh doanh sẽ tạo sức ép rất lớn đối với Việt Nam.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết, quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước chủ nhà khá chi tiết, nhất là vấn đề liên quan đến điều kiện, căn cứ khởi kiện, quy trình tố tụng...
![]() |
CPTPP có tính bắt buộc thi hành cam kết rất cao |
Đặc biệt, quy định của CPTPP cũng có tính bắt buộc thi hành cao, mang tính bảo vệ cao cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ví như quy định trong trường hợp nước nhận đầu tư bị thua kiện mà không tuân thủ phán quyết của trọng tài vẫn có cơ chế buộc nhà nước phải thực thi bản án.
Theo đó, nhà nước nơi nhà đầu tư mang quốc tịch có quyền yêu cầu thành lập ban hội thẩm để xem xét việc không tuân thủ này. Đây chính là thách thức không nhỏ đối với hệ thống cơ quan quản lý về đầu tư, kinh doanh của nước ta.
Cần hoàn thiện và chặt chẽ hóa hệ thống pháp luật
Tuy nhiên, cũng theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, việc khởi kiện của các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định và quy trình được mô tả rõ ràng trong chương Đầu tư. Trong đó, cần minh bạch hóa thủ tục trọng tài, các vụ điều trần tại cơ quan trọng tài và các tài liệu liên quan phải được công khai cho công chúng.
Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của bên thứ 3, những đối tượng có quan tâm, ví dụ công đoàn, các tổ chức dân sự nếu quan tâm thì có thể đệ trình văn bản, tài liệu thể hiện quan điểm của mình cho cơ quan trọng tài... Cùng với đó, là sự tham gia của bên không liên quan đến vụ kiện như chính phủ của nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nước khác trong CPTPP có thể đệ trình văn bản, tài liệu thể hiện cách hiểu, diễn giải của mình về nội dung Hiệp định.
Thêm vào đó, về việc xử lý các khiếu kiện vô giá trị và bồi thường phí luật sư quy định có cơ chế cho phép hội đồng trọng tài có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý các khiếu kiện vô giá trị và phán quyết về mức phí trọng tài đối với chính phủ bị kiện.
Ngoài ra, về việc phán quyết tạm thời và kháng cáo cũng có quy định các bên tham gia vụ kiện có thể rà soát và có ý kiến đối với phán quyết của hội đồng trọng tài trước khi công bố và cho phép cả hai bên tham gia vụ kiện có quyền kháng cáo quyết định của hội đồng trọng tài.
Song, điều đáng nói ở đây là đứng trước nguy cơ cao bị kiện bởi doanh nghiệp, nhà đầu tư thì Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần phải hành xử phù hợp theo cam kết. Chúng ta cần cải cách, thay đổi theo hướng minh bạch, chuẩn hóa, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đúng các cam kết từ quy định đến thực thi, tuân thủ nghiêm chỉnh luật chơi để tránh những thiệt hại về mọi mặt./.
Tố Uyên