Quảng Ninh hoàn thành 60% chỉ tiêu căn nhà ở xã hội Kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết bài toán về nguồn vốn vay dài hạn

Với tổng nguồn vốn 208 tỷ đồng được ủy thác từ ngân sách địa phương trong năm 2025, chương trình cho vay ưu đãi đã trở thành "đòn bẩy" quan trọng giúp người dân Quảng Ninh ổn định sản xuất và cuộc sống sau ảnh hưởng của bão số 3.

Trước đó, vào tháng 9/2024, ngay sau khi cơn bão Yagi (bão số 3) đi qua, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương phân bổ gần 288 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho Ngân hàng CSXH triển khai gói vay hỗ trợ sản xuất, thể hiện sự chủ động, kịp thời của chính quyền địa phương trong việc phục hồi kinh tế nông thôn. Tổng cộng từ năm 2024 đến nay, tỉnh đã cấp gần 496 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thông qua hình thức cho vay ưu đãi.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi này đã nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Nguồn vốn không chỉ giúp khôi phục sản xuất nhanh chóng, mà còn góp phần ổn định đời sống, tạo sinh kế và việc làm bền vững.

Đặc biệt, nhiều hộ dân làm nghề khai thác thủy sản sau khi có nguồn thu đã tự nguyện hoàn trả một phần vốn vay, cho thấy ý thức cao trong sử dụng và hoàn trả vốn vay đúng hạn.

Quảng Ninh phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
Năm 2025, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh triển khai gói vay vốn hỗ trợ sản xuất với tổng vốn 208 tỷ đồng. Ảnh CTV

Việc ủy thác vốn ngân sách qua Ngân hàng CSXH được triển khai căn cứ theo các văn bản chỉ đạo của trung ương và địa phương, đặc biệt là Nghị quyết số 111/2024/QH15 và Quyết định 33/2024/QĐ-UBND.

Các điều kiện và mức vay ưu đãi được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt ưu tiên các hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai. Từ đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp xây dựng phương án sản xuất cụ thể, đồng thời Ngân hàng CSXH triển khai công tác truyền thông đến tận các xã, phường.

Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, ngay khi được cấp vốn, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Trưởng các thôn, Tổ Tiết kiệm và vay vốn rà soát các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để hoàn thiện hồ sơ triển khai cho vay kịp thời hỗ trợ phát triển sản xuất.

Đến ngày 17/4/2025, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân gần 456 tỷ đồng cho 5.151 khách hàng, trong đó chủ yếu là người lao động (chiếm tới 98%), các hộ vừa thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình. Dư nợ hiện đạt hơn 446 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 5/2025, tỉnh sẽ hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân.

Chính sách tín dụng ủy thác từ ngân sách địa phương thông qua Ngân hàng CSXH không chỉ là biện pháp ngắn hạn giúp phục hồi sau thiên tai, mà còn là giải pháp lâu dài để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo, chính sách vay vốn ưu đãi tập trung vào tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn vốn vay chủ yếu được đầu tư vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: Lâm nghiệp chiếm 209 tỷ đồng với 2.347 khách hàng; thủy sản 143 tỷ đồng với 1.584 khách hàng; chăn nuôi 75 tỷ đồng với 930 khách hàng; còn lại là các lĩnh vực sản xuất khác. Điều này cho thấy hướng đi đúng đắn trong ưu tiên phát triển các ngành kinh tế chủ lực tại địa phương.