Doanh nghiệp cần nguồn vốn dài hạn
Là doanh nghiệp có gần 25 năm đồng hành cùng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), ông Đoàn Quốc Huy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM Group cho hay, tập đoàn có khoảng 6 dự án đã phối hợp với Quỹ Đầu tư Phát triển Việt Nam trước đây và sau này là VDB.
Chỉ riêng tại tỉnh Ninh Thuận, VDB tài trợ cho BIM Group với 2 dự án trong mảng sản xuất muối và chế biến muối công nghiệp.
![]() |
Tập đoàn Trung Nam và VDB sẽ hợp tác để tiếp tục thực hiện Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (bến 1A đã hoàn thành). |
Theo ông Huy, trong giai đoạn phát triển mới, BIM Group nhận thấy tỉnh Ninh Thuận còn nhiều thặng dư để phát triển hơn nữa. “Trong tình hình đó, BIM Group quyết định đầu tư thêm 25.000 tỷ đồng tại tỉnh trong các mảng chế biến hóa chất, năng lượng tái tạo và đầu tư về du lịch” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM nói.
“Chúng tôi thấy được việc tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng là một điều kiện quan trọng để BIM Group và các nhà đầu tư khác có thể thực hiện kế hoạch đầu tư của mình”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM Group nhận định. |
Và với dự định trên, đại diện Tập đoàn BIM cho rằng đòi hỏi có một nguồn vốn rất dài hạn, đồng thời lãi suất cần ổn định.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam đánh giá cao nguồn vốn từ VDB khi đã hỗ trợ cho các dự án của tập đoàn trong các năm qua.
Điều này thể hiện qua loạt dự án được VDB hỗ trợ tín dụng cho vay như Dự án Thủy điện Đồng Nai 2 (1.523 tỷ đồng); Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc (giai đoạn đầu 792 tỷ đồng); Dự án Thủy điện tại Krông Nô 2 (320 tỷ đồng)...
Đồng thời, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam cũng cho hay, sắp đến đây, Trung Nam tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo, cũng như mở rộng khu công nghiệp. “Trong 5 năm tới, chúng tôi cố gắng đầu tư tương ứng 100.000 tỷ đồng vào đây”, ông Thịnh cho hay.
Đại diện Tập đoàn Trung Nam mong muốn VDB tiếp tục tài trợ cho Trung Nam thực hiện Dự án Cảng biển Cà Ná. “Với số vốn cho vay từ VDB, tương ứng khoảng 3.000 tỷ đồng, chúng tôi hoàn thành Cảng biển Cà Ná thì kinh tế tỉnh Ninh Thuận sẽ tăng lên vượt 2 con số”, ông Thịnh tin tưởng.
Lợi thế từ dòng vốn của VDB
Ông Lê Văn Hoan - Chủ tịch HĐQT VDB cũng đánh giá, với vị trí thuận lợi tỉnh Ninh Thuận đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; đặc biệt sắp tới triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận thuộc địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn nên các dự án tiềm năng của tỉnh đều thuộc đối tượng cho vay vốn của VDB.
![]() |
Đại diện VDB ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác cấp vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với Công ty cổ phần Tập đoàn K-MS. |
Trong bối cảnh này, ông Hoan cho biết, VDB với tầm nhìn trở thành định chế tài chính phát triển hàng đầu của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách về phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. “Với sứ mệnh này, VDB cung cấp một lượng tài chính để kiến tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của khu vực và từng địa phương” - ông Hoan nhấn mạnh.
Tổng giám đốc VDB cho biết, sau 1 năm thực hiện quy định mới, tính đến nay, VDB đã ký kết hợp đồng cho vay 40 dự án. Với cam kết của các tập đoàn, nhà đầu tư, tổng công ty thì hiện nay tổng số vốn đã lên đến 120.000 tỷ đồng. |
Thông tin thêm, ông Đào Quang Trường -Tổng giám đốc VDB cho hay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã, đang quan tâm, tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc về cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho VDB trong giai đoạn hiện nay; đồng thời tăng cường khả năng tiếp cập nguồn vốn tín dụng của nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc danh mục theo quy định.
Theo ông Trường, VDB là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo bù đắp được kinh phí, được Thủ tướng giao nhiệm vụ thực hiện các chính sách chủ trương tín dụng của Nhà nước. Do đó, VDB có lợi thế về nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp do vậy đối với các dự án trọng điểm, dự án quy mô lớn VDB sẵn sàng huy động tài trợ dài hạn để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Trong những năm qua, VDB đã giải ngân trên 200.000 tỷ đồng. Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã đáp ứng một phần quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cũng như là nơi nâng cao năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp” - ông Trường khẳng định.
Tổng giám đốc VDB cũng bổ sung, tổng số vốn được Chính phủ giao cho VDB giải ngân trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2027 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2025 với tăng trưởng tín dụng 8% và các năm tiếp theo là trên 10%. Ông Trường cho rằng, với chính sách tín dụng hiện nay thì ngân hàng luôn sẵn sàng, chủ động các nguồn vốn và các điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, tại Hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại tỉnh Ninh Thuận do VDB phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức, VDB đã ký ghi nhớ hợp tác cấp vốn tín dụng đầu tư của nhà nước với 5 nhà đầu tư với tổng số vốn lên đến 13.500 tỷ đồng.
Bao gồm, Công ty cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (trên 14.000 tỷ); Công ty cổ phần Tập đoàn BIM (5.000 tỷ); Công ty cổ phần Tập đoàn K-MS (15.000 tỷ); Công ty TNHH SEAGULL ADC Ninh Thuận (500 tỷ); Công ty TNHH Phú An Thành Gia (1.000 tỷ).
Kết quả này theo đánh giá của ông Trịnh Minh Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận là đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư với VDB, tạo nền tảng thuận lợi để triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới./.