Cục Thuế Bình Định chống thất thu từ khai thác khoáng sản Cục Thuế Bình Định chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo bứt phá trong quản lý thuế Cần có bộ phận giám sát hóa đơn điện tử tại cục thuế tỉnh

Thu ngân sách đạt hơn 83% dự toán

Trong 9 tháng năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định có nhiều tín hiệu khởi sắc, tạo đà cho việc giữ nhịp thu ngân sách ổn định.

Theo Cục Thuế Bình Định, tính đến 30/9/2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) toàn tỉnh nếu loại trừ tiền sử dụng đất thu được 5.971 tỷ đồng, đã đạt 83,7% dự toán pháp lệnh, tăng 17,3% cùng kỳ. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất, cổ tức - lợi nhuận được chia và xổ số kiến thiết thu được 4.924 tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán pháp lệnh, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh thu được 1.988 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Cục Thuế Bình Định thu ngân sách đạt khá do kinh tế địa phương khởi sắc
Thu ngân sách đạt khá do doanh nghiệp phục hồi, kinh tế tăng trưởng. Ảnh: TL.

Nếu so với dự toán, có 11/17 khoản thu so với dự toán cao hơn tốc độ bình quân (75%); có 6/17 khoản thu, sắc thuế chưa đạt tiến độ thu bình quân. Nếu so với cùng kỳ, thì có 10/17 khoản thu, sắc thuế có mức tăng.

Nhìn chung, tổng thu đạt khá, tăng trưởng tốt, đặc biệt ở nhiều khoản thu, sắc thuế lớn, trọng điểm như: Tiền sử dụng đất, khu vực công thương nghiệp- ngoài quốc doanh, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Tuy nhiên có một số khu vực, khoản thu, sắc thuế hụt thu lớn do tác động chủ yếu của chính sách và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: khu vực đầu tư nước ngoài, tiền thuê đất và thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Thu từ khu vực công thương nghiệp- ngoài quốc doanh có tăng trưởng

Nếu tính cả số gia hạn (chưa nộp NSNN) thì lũy kế 9 tháng tổng thu NSNN nếu loại trừ tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận và xổ số kiến thiết thì thu được 5.332 tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán. Riêng thu từ khu vực công thương nghiệp- ngoài quốc doanh thu được 2.266 tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán.

Một số lĩnh vực có số thu giảm, đó là: khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giảm 138 tỷ đồng so với cùng kỳ là do tác động của dịch Covid-19; khu vực DNNN địa phương giảm 15 tỷ đồng so với cùng kỳ là do số nộp các công ty thuộc khu vực sụt giảm. Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường giảm 155 tỷ đồng do chính sách giảm mức thu khoản thuế này đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022; đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022.

Năm 2022, bên cạnh việc triển khai các giải pháp nhằm tăng thu NSNN, Cục Thuế Bình Định đã kịp thời thực hiện các gói tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua tác động của đại dịch. Tổng số thuế, phí, lệ phí miễn, giảm cho tổ chức, doanh nghiệp theo chính sách của Quốc hội, Bộ Tài chính ban hành (tính đến 30/9/2022) trên địa bàn tỉnh đạt 1.125,2 tỷ đồng.

Về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tổng số thuế gia hạn là 580,9 tỷ đồng.

Xây dựng kịch bản thu ngân sách 3 tháng cuối năm

Ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định cho biết, đơn vị hiện đang phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt mức cao nhất tổng thu NSNN năm 2022. Theo đó, năm 2022, tổng thu trừ tiền sử dụng đất vượt từ 5% so cùng kỳ; riêng đối với khu vực công thương nghiệp- ngoài quốc doanh phấn đấu vượt tối thiểu 5% so cùng kỳ.

Sở dĩ, tiến độ thu NSNN trên địa bàn được đảm bảo là do cục thuế tỉnh đã vừa triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về thu ngân sách, vừa nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo quy định. Việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh, từ đó quay trở lại có đóng góp vào NSNN.

Địa phương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ công
Để đảm bảo thu đúng, thu đủ về ngân sách, cơ quan thuế sẽ xây dựng kịch bản thu phù hợp. Ảnh: TL.

Một trong những thành công là kinh nghiệm trong điều hành của Cục Thuế Bình Định đó là xuyên suốt từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, đảm bảo đồng thời 3 thành tố: sử dụng công nghệ, thay đổi quy trình hướng đến cách làm mới và chuyển đổi nhận thức tạo ra giá trị mới.

Theo đó, mọi hoạt động nghiệp vụ của cục thuế tỉnh được nâng cao, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong công tác quản lý thuế. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và hộ kinh doanh được rút ngắn nhờ việc điện tử hóa toàn bộ các khâu khai thuế, nộp thuế. Đặc biệt, công tác kiểm tra/giám sát hồ sơ khai thuế được thực hiện 100% bằng ứng dụng công nghệ thông tin tại trụ sở cơ quan thuế giúp người nộp thuế phòng ngừa tối đa sai phạm cả về phía người nộp thuế và công chức thuế.

Cục thuế tỉnh lấy phương châm phát triển 3 trụ cột: “Nâng cao giá trị đạo đức của đội ngũ công chức”, “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” và “Công nghệ hóa tất cả các hoạt động quản lý thuế” để hoàn thiện bộ máy ngành thuế thật sự “minh bạch - chuyên nghiệp - liêm chính - đổi mới”.

Còn 1 quý nữa là kết thúc năm, để đạt cho được các mục tiêu về thu NSNN đã đề ra, Cục Thuế Bình Định tiếp tục bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để tập trung quản lý, điều chỉnh; đồng thời xây dựng kịch bản thu cho 3 tháng cuối năm 2022, đặc biệt là việc dự kiến các nguồn thiếu hụt và tìm nguồn bù đắp. Bên cạnh đó tăng cường sử dụng hóa đơn điện tử để phục vụ công tác quản lý và khai thác nguồn thu, cũng như nhận diện các hành vi, thủ đoạn gian lận mới của người nộp thuế, sớm ngăn chặn, phòng ngừa, đặc biệt là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn và dàn xếp giao dịch.

Là đơn vị có thế mạnh về công nghệ thông tin, thời gian tới, Cục Thuế Bình Định tiếp tục tăng tốc tiến độ thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022; đồng thời, triển khai lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và chương trình quay số, trả thưởng Hóa đơn may mắn; xây dựng kế hoạch đôn đốc, xử lý nợ hiệu quả; đảm bảo thu hồi tối đa các khoản nợ có khả năng thu, đặc biệt là các khoản nợ gia hạn và các khoản nợ liên quan đến đất đai…/.

Doanh nghiệp tự sửa sai, nộp về ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng/năm

Cục Thuế Bình Định đã xây dựng được Hệ sinh thái các ứng dụng phân tích nhằm hỗ trợ cho công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và giám sát khai thuế. Trên cơ sở đó, nhận diện tối đa các nghi vấn sai phạm, đưa ra các cảnh báo hẹp theo từng dấu hiệu đến từng doanh nghiệp rà soát, tự sửa sai và tự kê khai nộp thuế bổ sung theo quy định. Kết quả năm 2020 có 466 doanh nghiệp tự sửa sai, nộp ngân sách 79,8 tỷ đồng; năm 2021 có 1.429 doanh nghiệp tự sửa sai, nộp ngân sách 39,2 tỷ đồng; 9 tháng năm 2022 có 898 doanh nghiệp tự sửa sai, nộp ngân sách 42,6 tỷ đồng./.