Người mua hàng đừng bỏ qua quyền được lấy hóa đơn điện tử Cục Thuế Bình Định khuyến cáo về một số sai phạm trong sử dụng hóa đơn điện tử Xử lý hóa đơn điện tử khi có sai sót

Hóa đơn điện tử giúp quản lý chặt nguồn thu

Hóa đơn là những căn cứ quan trọng của các giao dịch tài chính, khoản mua bán, đầu tư và trao đổi thương mại, đồng thời cũng chính là tài liệu làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (NNT).

Cần có bộ phận giám sát hóa đơn điện tử tại cục thuế tỉnh
Cục Thuế Bình Định kiến nghị cần có bộ phận giám sát hóa đơn điện tử tại cục thuế tỉnh. Ảnh: TL.

Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; kết hợp thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu về NNT đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ NNT tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế, nhận biết nhanh và ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

Từ hóa đơn điện tử giúp cơ quan quản lý nắm bắt hoạt động và tình hình kinh doanh của không chỉ 1 doanh nghiệp mà còn giúp nhận diện chuỗi giao dịch mua bán, liên kết giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - cá nhân nhờ việc lần ra được luồng tiền, luồng hàng và luồng chứng từ, hạch toán kế toán.

Theo Cục Thuế Bình Định, mặc dù thuế giá trị gia tăng (GTGT) của một số mặt hàng được giảm thuế, theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, nhưng số thuế GTGT nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 7 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh Bình Định vẫn tăng 6% so với cùng kỳ (1.141 tỷ đồng/1.077 tỷ đồng), cho thấy các giao dịch phát sinh được quản lý chặt chẽ, kịp thời đúng quy định, đặc biệt tránh được các giao dịch ảo, giao dịch dàn xếp để trốn thuế, gian lận thuế.

Nhận diện được chuỗi giao dịch mua bán, liên kết

Từ hóa đơn điện tử giúp cơ quan quản lý nắm bắt hoạt động và tình hình kinh doanh của không chỉ 1 doanh nghiệp, mà còn giúp nhận diện chuỗi giao dịch mua bán, liên kết giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - cá nhân nhờ việc lần ra được luồng tiền, luồng hàng và luồng chứng từ, hạch toán kế toán.

Nhằm hỗ trợ công tác giám sát tình hình sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), lãnh đạo Cục Thuế Bình Định chỉ đạo Phòng Công nghệ thông tin xây dựng và phát triển ứng dụng “Quản lý HĐĐT”. Đồng thời, cục thuế thành lập Tổ giám sát HĐĐT trực thuộc Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ NNT, với chức năng tham mưu lãnh đạo cục thuế giám sát tình hình sử dụng hóa đơn của NNT và công tác quản lý hóa đơn nội ngành.

Qua giám sát, Cục Thuế Bình Định phát hiện các sai phạm của NNT cũng như dấu hiệu rủi ro trong công tác quản lý thuế. Theo đó, có hơn 800 doanh nghiệp có doanh thu trên HĐĐT lớn hơn doanh thu trên tờ khai thuế GTGT; 147 doanh nghiệp có doanh thu trên HĐĐT nhỏ hơn doanh thu trên tờ khai thuế GTGT. Có 20 trường doanh nghiệp xuất khẩu, kê khai doanh thu hàng mẫu tháng 4/2022 nhưng chưa xuất hóa đơn, đến tháng 5/2022 mới xuất hóa đơn; 9 trường hợp bên bán hàng tự ý lập hóa đơn điều chỉnh giảm doanh thu, giảm thuế GTGT đầu ra không được sự thống nhất của bên mua…

Giám sát tổng thể hóa đơn điện tử của doanh nghiệp

Qua quá trình thực hiện, Cục Thuế Bình Định đã nhận thấy một số tồn tại đối với hệ thống HĐĐT, như: có thời điểm việc cấp mã còn chậm hoặc không cấp mã nhưng không thông báo lỗi; hay như xảy ra tình trạng nội dung trên hóa đơn trên hệ thống HĐĐT khác một số chỉ tiêu so với “Bản thể hiện của hóa đơn điện tử” của NNT.

Cần có bộ phận giám sát hóa đơn điện tử tại cục thuế tỉnh
Cơ quan thuế khuyến khích người dân mua hàng nên nhận hóa đơn. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, việc tra cứu, kết xuất dữ liệu từ hệ thống HĐĐT còn chậm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế hoặc những doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế với số lượng lớn…

Mới đây, Cục Thuế Bình Định đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế một số nội dung liên quan đến thực hiện HĐĐT, trong đó có kiến nghị và đề xuất một số nội dung cụ thể.

Theo ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, qua thực tiễn quản lý và giám sát HĐĐT từ 1/1/2022 đến nay, Cục Thuế Bình Định nhận thấy lợi ích của HĐĐT đối với công tác quản lý thuế vô cùng lớn. Theo đó, đã bước đầu ngăn chặn được tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; phát hiện kịp thời các trường hợp dàn xếp giao dịch để gian lận thuế, hoàn thuế, các trường hợp xuất hóa đơn lòng vòng giữa các đơn vị có quan hệ liên kết để điều chuyển giảm nghĩa vụ thuế; các trường hợp hộ khoán và hộ kê khai chưa quản lý sát doanh thu tính thuế…

Để khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện, Cục Thuế Bình Định cho rằng, cần thiết phải có 1 bộ phận giám sát việc sử dụng HĐĐT ở cục thuế nhằm thực hiện việc giám sát tổng thể đối với HĐĐT của tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện kịp thời các sai phạm trong sử dụng HĐĐT, phát hiện các phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm mới của các đối tượng sử dụng HĐĐT… Từ đó, tham mưu lãnh đạo cục kịp thời chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn sai phạm và đúc kết những phương thức, thủ đoạn mới để tham mưu Tổng cục Thuế chỉ đạo.

Trước mắt, Cục Thuế Bình Định đề nghị Tổng cục Thuế nghiên cứu cho phép thành lập bộ phận Giám sát HĐĐT của cục thuế đặt tại phòng tuyên truyền - hỗ trợ NNT và bổ sung chức năng nhiệm vụ cho bộ phận này vận hành một cách hiệu quả./.

Ngăn tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Thực hiện HĐĐT đã bước đầu ngăn chặn được tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; phát hiện kịp thời các trường hợp dàn xếp giao dịch để gian lận thuế, hoàn thuế, các trường hợp xuất hóa đơn lòng vòng giữa các đơn vị có quan hệ liên kết để điều chuyển giảm nghĩa vụ thuế; các trường hợp hộ khoán và hộ kê khai chưa quản lý sát doanh thu tính thuế…