Đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường để tăng trưởng xuất khẩu
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

PV: Theo số liệu kinh tế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng trở lại. Dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm, do lượng tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Ông nghĩ sao về điều này?

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường để tăng trưởng xuất khẩu

TS. Bùi Duy Tùng: Dựa trên các số liệu mới được công bố từ Tổng cục Thống kê, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng hồi phục sau 9 tháng năm 2023. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2023 đã tăng 4,6% (so với cùng kỳ năm trước), đạt 31,41 tỷ USD, với nhiều mặt hàng chủ lực và nông sản ghi nhận mức tăng trưởng khá cao.

Thị trường Hoa Kỳ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam

Theo TS. Bùi Duy Tùng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng nếu tình hình lạm phát ở đây tiếp tục tiến triển. Những lo ngại về việc nền kinh tế trở nên mạnh hơn, cùng với quan điểm dự kiến của Fed về việc tăng lãi suất, báo hiệu một kịch bản kinh tế bất lợi ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Hoa Kỳ tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và giá trị xuất khẩu vào thị trường này tháng 9/2023, đạt khoảng 8,11 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng lên 70,23 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Hoa Kỳ đạt 11 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ngày.

Bên cạnh đó, dữ liệu chỉ số hàng tồn kho của Hoa Kỳ có những thay đổi đáng chú ý, với chỉ số sản xuất (ISM) tồn kho khách hàng tháng 9/2023 ở mức 47,10; giảm so với mức 48,70 của tháng trước nhưng tăng so với giá trị 41,60 một năm trước, cho thấy mức thay đổi so với tháng trước là -3,29% và mức thay đổi so với cùng kỳ năm trước là 13,22%.

Đồng thời, chỉ số tồn kho sản xuất đã tăng lên 45,80 từ 44, mặc dù giảm so với 55,50 một năm trước, nhưng cho thấy giai đoạn bổ sung hàng tồn kho sắp tới có thể xảy ra do lượng hàng tồn kho ở phía khách hàng thấp. Những số liệu này cho thấy khả năng gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới để bổ sung lượng hàng tồn kho, đặc biệt, trong các danh mục như may mặc, thiết bị viễn thông và sản phẩm điện tử.

Hơn nữa, nhu cầu trong mùa mua sắm nghỉ lễ cuối năm ở Hoa Kỳ thường tăng đột biến, góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam. Sản phẩm đa dạng cùng với nhu cầu gia tăng dự đoán sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam tiếp tục mở rộng và củng cố vị thế của mình trên trường toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ.

PV: Hiện tại, tình hình căng thẳng tại Trung Đông giữa Hamas và Israel vẫn đang tiếp tục leo thang. Theo ông, trong thời gian còn lại của năm 2023, xung đột tại Trung Đông sẽ tác động thế nào tới xuất khẩu của Việt Nam?

TS. Bùi Duy Tùng: Xung đột Hamas - Israel có tác động trực tiếp không đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam. Khối lượng thương mại giữa Việt Nam và Israel tương đối nhỏ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Israel chỉ chiếm 0,2% tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu từ Israel chiếm chưa đến 0,01% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam vào năm 2022.

Các mặt hàng được giao dịch gồm, máy móc, thiết bị chiếm tỷ trọng chủ yếu, đóng góp tới 60% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Israel. Nhưng phân khúc này chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam vào năm 2022. Phân bón là mặt hàng nhập khẩu chủ đạo từ Israel, tuy nhiên tác động không đáng kể do năng lực sản xuất nội địa của Việt Nam làm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn nguồn cung xuất phát từ xung đột.

Mặc dù vậy, cuộc xung đột tại Israel có thể gây trở ngại cho chuỗi cung ứng toàn cầu do vai trò then chốt của Israel trong lĩnh vực bán dẫn. Israel là trụ sở của nhiều công ty bán dẫn hàng đầu và bất kỳ sự gián đoạn nào do xung đột có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu diễn ra nghiêm trọng hơn.

Việt Nam, một nước đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện tử toàn cầu, có thể phải gánh chịu hậu quả của sự gián đoạn này, vì việc sản xuất bị tạm dừng hoặc trì hoãn do không có chip có thể ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu điện tử và các hàng hóa liên quan của Việt Nam.

PV: Vậy theo ông, trong quý cuối cùng của năm 2023, để phát huy vai trò của một động lực tăng trưởng, Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa?

TS. Bùi Duy Tùng: Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu cần nhận được chú ý xúc tiến mạnh. Xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng ngày càng gần gũi hơn với thị trường tiêu dùng đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Các hiệp định này đóng vai trò là cơ chế công cụ để giảm bớt rào cản thương mại và khai thác các thị trường mới, từ đó phù hợp với động lực toàn cầu về đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Số liệu xuất khẩu 9 tháng năm 2023 cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây và rau quả, cũng như trong các lĩnh vực có giá trị cao như điện tử và dệt may. Đồng thời, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với những động lực này, Việt Nam cần tăng cường nỗ lực mở rộng quy mô các lĩnh vực này thông qua đầu tư, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu và các ưu đãi dành riêng cho ngành.

Ngoài ra, việc tận dụng hiệu quả các FTA hiện có như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EU - Việt Nam và Anh - Việt Nam sẽ giúp gia tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu và tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Triển vọng xuất khẩu năm 2024 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực

Dự báo gì về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, TS. Bùi Duy Tùng nhận định, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực, mặc dù có một số thách thức nhất định cần được quan tâm.

HSBC và VinaCapital, dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 6,3% đến 6,5% vào năm 2024, chủ yếu nhờ xuất khẩu phục hồi và sản lượng sản xuất tăng. Trong đó, sự phục hồi ở cả xuất khẩu và chi tiêu trong nước là hai động lực chính cho sự tăng trưởng này. Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hoa Kỳ, hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điều này có thể đặc biệt mang lại lợi ích cho các lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường hơn nữa năng lực xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nhiều thách thức vẫn tồn tại. Số liệu xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN đang chững lại do nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu toàn cầu giảm đối với hàng hóa "Made in Vietnam". Hơn nữa, độ mở kinh tế cao của Việt Nam khiến chúng ta dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường toàn cầu. Nếu các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc phục hồi kém hơn dự kiến, điều đó có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.