PV: Theo số liệu thống kê gần nhất, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay khoảng trên 2% so với cuối năm ngoái, bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (5,04%). Bà có bình luận gì về tốc độ tăng trưởng này?

Đảm bảo tín dụng được cấp đúng mức và an toàn
TS. Lê Hồng Hạnh

TS. Lê Hồng Hạnh: Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và sẽ có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Con số này được đánh giá là khá tham vọng trong vòng 5 năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại (năm 2022 khoảng 14%, năm 2021 là 12%, năm 2020 là 11%, năm 2018 - 2019 là 14%). Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ, tính đến ngày 24/2/2023 tín dụng chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước. Và tính tới ngày 20/4 mức tăng trưởng khoảng trên 2,57% so với năm 2022.

Các con số trên có thể hàm chứa nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào góc độ đánh giá. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ số quan trọng trong nền kinh tế, bởi tín dụng đóng vai trò then chốt hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế khác. Tăng trưởng tín dụng cao đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể đầu tư, sản xuất và mở rộng quy mô kinh doanh. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng giảm, điều đó có thể dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để hoạt động. Nếu điều này kéo dài có thể dẫn đến suy giảm đầu tư, sản xuất, tăng tỷ lệ thất nghiệp và dẫn tới suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, xét một cách khách quan thì lãi suất mới bắt đầu hạ nhiệt từ cuối tháng 3/2023, ngay cả khi hạ nhiệt thì vẫn ở mức trên 10%/năm. Còn giai đoạn trước đó, trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng và neo ở mức cao, áp lực lên lạm phát cũng như tỷ giá rất lớn nên NHNN đã giữ các mức lãi suất điều hành cao hơn. Hơn nữa, quý I/2023 lại trùng với Tết Nguyên đán, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng chưa thật sự náo nhiệt ở giai đoạn này. Các chính sách như giảm lãi suất, kích cầu tín dụng... cũng có độ trễ trong tác động đến nền kinh tế và việc hạ lãi suất không đồng nghĩa với việc ngay lập tức tăng trưởng tín dụng sẽ tăng. Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục quan sát thị trường để có thể đưa ra những nhận định chính xác hơn.

Nguồn: Tổng cục Thống kê    		   						   Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

PV: Tăng trưởng tín dụng thấp liệu có phải là dấu hiệu cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khá chậm? Theo bà, tăng trưởng tín dụng thấp có đáng lo?

TS. Lê Hồng Hạnh: Như tôi đã đề cập ở trên, tăng trưởng tín dụng thấp là một trong những dấu hiệu đáng lo ngại, cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại. Chúng ta có thể thấy, về chính sách thì các điều kiện cho vay vẫn được giữ nguyên, không thắt chặt, thậm chí là khuyến khích; từ đầu năm các ngân hàng cũng không bị hạn chế về room tín dụng, thanh khoản hệ thống thì dư thừa, hay nói các khác, nguồn cung tín dụng dường như đang rất sẵn sàng. Do vậy, có thể tạm kết luận, tăng trưởng tín dụng thấp đến từ sự tăng thấp hơn kỳ vọng trong nguồn cầu tín dụng, hay nói cách khác, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại.

Hạ lãi suất điều hành là biện pháp cần thiết

Theo TS. Lê Hồng Hạnh, động thái liên tiếp hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là một biện pháp cần thiết để giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cùng lúc và cũng chưa hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính sách này cũng có độ trễ trong tác động của nó đến nền kinh tế. Để tránh khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, việc tiếp tục giảm lãi suất, duy trì cùng lúc các mục tiêu khác như bình ổn tỷ giá và lạm phát là cần thiết. Ví dụ như việc ban hành Thông tư 02/TT-NHNN gần đây về việc cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn là một dấu hiệu vô cùng tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng.

Một số nguyên nhân có thể do: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán, 3 tháng đầu năm lãi suất vẫn duy trì ở mức cao và nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục sau tác động bởi dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể cho thấy sự cân nhắc và thận trọng của ngân hàng trong việc cho vay và quản lý rủi ro. Kiểm soát tín dụng cẩn thận là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và tránh rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô khi đưa ra luôn có độ trễ. Chính vì vậy, tại thời điểm này việc tăng trưởng tín dụng thấp là một tín hiệu không như kỳ vọng. Tuy nhiên, để đánh giá là có thật sự đáng lo hay không thì chúng ta cần quan sát thêm các phản ứng của thị trường.

PV: Tín dụng chưa đạt 1/5 quãng đường năm 2023. Trong khi đó, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm đã khiến nguồn vốn ứ đọng. Theo bà, đâu là giải pháp kích cầu tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp?

TS. Lê Hồng Hạnh: Theo tôi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong tương lai, Chính phủ và các ngân hàng cần phải đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và tăng cường giám sát để đảm bảo tín dụng được cấp đúng mức và an toàn.

Một số nhóm giải pháp có thể chú ý như: Giải pháp đồng bộ để kích cầu, người dân mua nhiều hàng hóa thì doanh nghiệp cũng bán được nhiều hàng hơn, nhu cầu vay vốn cũng tăng theo; chú trọng vào hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi lẽ những doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc duy trì, mở rộng các đơn hàng mới, nên rất thận trọng trong việc vay vốn; thị trường bất động sản và thị trường vốn tiếp tục khó khăn, vì vậy các giải pháp liên quan tới các thị trường này cũng cần được sớm giải quyết.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tác động của chính sách giảm lãi suất có thể mất vài tháng tới 1 năm

Nhận định về tác động của chính sách giảm lãi suất, TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng, việc hạ lãi suất không đồng nghĩa với việc ngay lập tức các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ có thể tiết kiệm được nhiều chi phí vay và tiêu dùng thêm; cũng không có nghĩa ngay lập tức nhiều doanh nghiệp sẽ đi vay nhiều tiền hơn.

Theo TS. Hạnh, chính sách khi ban hành ra thường có độ trễ trong tác động của nó đến nền kinh tế. Thời gian để chính sách này có tác động đến nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự đáp ứng của các tổ chức tín dụng và động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp. Thời gian trễ của chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có thể dao động tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế hiện tại, mức độ vay và cho vay trong nền kinh tế và phản ứng của các tổ chức và cá nhân đối với sự thay đổi lãi suất. Thường thì tác động của chính sách giảm lãi suất có thể mất vài tháng, thậm chí tới 1 năm (trong điều kiện các yếu tố khác không đổi) để thể hiện rõ ràng trong nền kinh tế. Điều này là do thời gian cần thiết để sự thay đổi lãi suất được truyền tải qua các hệ thống tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và cuối cùng ảnh hưởng đến chi tiêu của các tổ chức và cá nhân.