dương trung quốc

ĐB Dương Trung Quốc

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, thông thường các chức danh chủ chốt của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ do một nhiệm kỳ Quốc hội (QH) mới bầu. Tuy nhiên lần này có lẽ là kết quả của Đại hội 12 tạo ra tình huống nên lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất của Nhà nước sau Đại hội không tham gia Bộ Chính trị cũng như không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Để kéo dài tình trạng những chức danh cao cấp ấy không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị của ta. Vì thế lần này chúng ta phải bầu một lúc 3 chức danh quan trọng. Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi của tình hình hiện nay để bộ máy sớm đi vào hoạt động hiệu quả.

Hơn thế nữa, trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh. Vì thế thủ tục như đã thông báo có động tác từ nhiệm, rời chức vụ để có cơ sở bầu những người mới.

PV: Ông có kỳ vọng như thế nào về việc bỏ phiếu khi tiến hành bầu các chức danh này?

ĐB Dương Trung Quốc: Việc bầu sẽ diễn ra như mọi quy trình khác và bảo đảm sự giám sát của Quốc hội. Lần bỏ phiếu này chắc chắn là bỏ phiếu kín, làm theo đúng thủ tục, quy trình chúng ta đã làm nhiều lần.

PV: Vậy ĐB Quốc hội sẽ thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào trong việc bầu các chức danh?

ĐB Dương Trung Quốc: Trước hết ĐB phải thực hiện đúng luật, không coi đây là vấn đề hình thức. Chúng ta hoàn toàn có quyền giám sát tính chân thật, tính chính xác của những dữ liệu liên quan đến nhân vật và căn cứ vào tiêu chuẩn, kể cả sự tín nhiệm mà chúng ta cảm nhận được trong quá trình những vị ấy hoạt động để bỏ lá phiếu của mình.

Chúng ta đã trải qua công tác tổng kết, kể cả trách nhiệm cá nhân lẫn bộ máy tổ chức. Tôi nghĩ rằng, điều đó để lại nhiều bài học, nhiều di sản, kể cả tích cực lẫn không tích cực, đòi hỏi người kế nhiệm phải gách vác. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội để các đồng chí được tín nhiệm vào vị trí mới thể hiện năng lực của mình.

PV: Thưa ông, trong báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, các ĐB đã góp ý nhiều hạn chế, tồn tại. Vậy nhân sự trong nhiệm kỳ mới sẽ chuẩn bị như thế nào để tiếp thu bài học và lãnh đạo tốt hơn?

ĐB Dương Trung Quốc: Đối với tồn tại cần khắc phục, nếu ta phân tích cho cùng thì tất cả tồn tại có một nguyên nhân căn bản là tính trách nhiệm cá nhân chưa được thể hiện rõ kể cả trong cơ chế và con người.

Tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân. Mỗi đồng chí cán bộ ở cương vị của mình, đặc biệt cương vị cao cấp cần thể hiện trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm ấy thể hiện đồng chí ấy thực hiện hết quyền năng của mình được luật quy định.

Ví dụ yêu cầu cách chức người không xứng đáng. Có thể thấy hiện nay tình trạng luật pháp không đi vào đời sống bởi vì cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật không làm hết trách nhiệm của mình mà không bị xử lý. Bản thân các đồng chí quan chức cũng phải nghĩ đến văn hoá từ chức nếu mình không thực thi được.

Ngay việc hiện nay một số đồng chí lãnh đạo cấp cao từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng thể hiện văn hoá của mình, tự rời bỏ chức vụ vì trách nhiệm chung. Hành động đó được người dân chia sẻ và tôn vinh.

Tôi cho rằng, từ chức không thuần tuý là hành vi tiêu cực. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội làm cho nhận thức xã hội đến việc xây dựng cơ chế chính trị và quan trọng nhất là trong ý thức người gánh vác trách nhiệm sẽ thay đổi theo hướng tích cực vì sự phát triển chung.

PV: Một trong những điểm mới của lần bầu cử này là sau khi được bầu, 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ tiến hành tuyên thệ. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

ĐB Dương Trung Quốc: Từ lịch sử xa xưa trong truyền thuyết các vua Hùng cũng đã có tuyên thệ. Gần hơn trước khi kết thúc Đại hội Tân Trào, Quốc hội đầu tiên, Chính phủ đầu tiên cũng có tuyên thệ. Thế giới đã quá phổ biến thì sao mình không thực hiện. Hơn nữa, Đảng viên tuyên thệ được thì sao các quan chức không tuyên thệ được? Đặc biệt, lần này chúng ta đã đưa vào Hiến pháp, đây là điều rất đáng mừng. Tôi tin rằng, một người khi đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình sẽ cao hơn khi không tuyên thệ.

PV: Nhưng thực tế đã có nhiều lời hứa không được thực hiện, thưa ông?

ĐB Dương Trung Quốc: Chúng ta đừng nghĩ tuyên thệ là một chỉ tiêu đánh giá mà tuyên thệ chỉ thể hiện ý chí, tinh thần, đạo đức, điều đó tôi nghĩ người dân đủ sáng suốt để nhận ra.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (Ghi)