Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: HẢI ANH

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Đồng thuận cơ quan hải quan là đầu mối Kiểm tra chuyên ngành

Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án KTCN), có hiệu lực từ 12/1/2021, đưa ra 7 cải cách lớn, nhằm cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu cho doanh nghiệp (DN). Trao đổi với phóng viên TBTCVN về các nội dung cải cách của đề án, nhiều DN đồng thuận với việc Chính phủ giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bà Trần Thị Ngọc, Công ty TNHH XNK Thành Trung cho biết, công ty hoạt động chuyên về xuất nhập khẩu (XNK) nguyên phụ liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản phẩm gỗ, mỗi ngày trung bình DN mở khoảng 10 tờ khai tại Hải quan Hải Phòng. Để thông quan hàng hóa DN làm thủ tục XNK với cơ quan hải quan và làm việc với cơ quan chức năng về chứng nhận kiểm tra chất lượng và kiểm dịch hàng hóa.

Theo quan điểm của bà Ngọc, khi áp dụng cải cách 1 và cải cách 3 của đề án KTCN là cơ quan hải quan làm một đầu mối kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, DN sẽ bớt được thời gian, chi phí làm thủ tục xin chứng nhận từ các cơ quan quản lý chuyên ngành. Cụ thể, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm); thực hiện kiểm tra hồ sơ.

Bà Phan Thúy Hằng, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lê (Hà Nội) bày tỏ sự đồng thuận và kỳ vọng với cải cách 1 và cải cách 3 của đề án (cải cách 3 cho phép cơ quan hải quan thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, DN chỉ thực hiện với một đầu mối là cơ quan hải quan). Cải cách 3 cho phép DN không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra, nhờ đó, cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm).

Bà Thúy Hằng chia sẻ, do chuyên nhập khẩu mặt hàng hải sản, thịt bò tươi sống nên DN chịu rất nhiều áp lực về thời gian thông quan hàng hóa. Mặc dù, thủ tục hải quan đã thông thoáng hơn, nhưng thời gian KTCN theo yêu cầu của các cơ quan quản lý vẫn kéo dài nên ảnh hưởng đến chất lượng mặt hàng tươi sống. Thông thường đối với mặt hàng cá hồi, thời hạn sử dụng tốt nhất là trong vòng 15 ngày, nhưng DN mất 4 ngày để vận chuyển, thêm 4 ngày chờ kết quả KTCN. Do đó, chúng tôi mong muốn đề án sớm được triển khai để DN có thể hưởng lợi từ cải cách 1 và 3.

Doanh nghiệp hưởng lợi khi cắt giảm thủ tục kiểm tra

Bà Trần Thị Ngọc cũng cho biết thêm, DN rất đồng thuận với cải cách 2 của đề án là áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.

Chuyển đổi phương thức kiểm tra này cho phép hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt (kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm), được chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm); hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm của năm liền kề trước đó). DN không phải gửi văn bản yêu cầu để được áp dụng kiểm tra giảm mà hệ thống công nghệ thông tin và cơ quan kiểm tra nhà nước tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra. “Với cải cách này tôi cho rằng sẽ có lợi cho cả cơ quan nhà nước và DN. Cơ quan nhà nước không mất nhiều công sức nhân lực kiểm tra tràn lan các lô hàng, còn DN làm ăn chân chính sẽ hưởng lợi khi được làm thủ tục nhanh chóng từ sự tuân thủ pháp luật, hàng hóa đảm bảo chất lượng”, bà Trần Thị Ngọc nói.

Đề cập đến 7 cải cách lớn của Đề án KTCN, ông Nguyễn Đức Sơn - Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam cho rằng, mỗi cải cách trong đề án đều đề cập khá rõ tới lợi ích mang lại cho DN.

Ông Sơn tán thành với 7 nội dung cải cách và nhấn mạnh đến cải cách 4 (thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra) và cải cách 5 (áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu). Với 2 cải cách này, cơ quan quản lý nhà nước tích hợp 2 khâu quản lý rủi ro khi kiểm tra hàng nhập khẩu với quản lý rủi ro chất lượng, an toàn thực phẩm, DN sẽ không bị kiểm tra trùng lặp 1 mặt hàng trong các lô hàng, nhờ vậy giảm được thủ tục kiểm tra, chi phí cho DN. “Mong rằng việc triển khai đề án được các bộ, ngành, cơ quan nhà nước thực hiện hiệu quả với tinh thần tạo thuận lợi của Chính phủ, sớm mang lại lợi ích cho DN”, ông Sơn nhấn mạnh.

Để triển khai các nội dung cải cách, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 38/QĐ-TTg chỉ đạo thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án kiểm tra chuyên ngành. Thành phần, Tổ trưởng giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; các thành viên là đại diện lãnh đạo cấp tổng cục, vụ, cục thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Hải Linh