Nội dung chia sẻ từ các diễn giả cho thấy, thời gian qua, quá trình xử lý các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng phát sinh nhiều vướng mắc, do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại tòa án các cấp còn rất khác nhau, chưa có sự thống nhất.

Đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về tranh chấp pháp lý hợp đồng tín dụng
Hội thảo do ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng và ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND Hà Nội đồng chủ trì. Ảnh: Chí Tín.

Chẳng hạn những vấn đề như: xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, việc áp dụng quy định về lãi suất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án, về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn, về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, về việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm, đặc biệt liên quan đến bảo vệ người thứ ba ngay tình…

Một trong những vấn đề khúc mắc liên quan đến lãi suất đối với thẻ tín dụng, một số tòa án không chấp nhận thỏa thuận lãi suất trong giao dịch thẻ tín dụng. Đây là những vấn đề chủ yếu liên quan đến quá trình xử lý nợ thẻ tín dụng, một số tòa án nhận định mức lãi suất thỏa thuận cao hơn so với quy định của Bộ luật Dân sự (cao nhất là 20%/năm).

Trong khi đó, các ngân hàng cho rằng, Luật các Tổ chức tín dụng có quy định cho phép ngân hàng và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất trong giao dịch vay với ngân hàng.

Việc xác định nơi cư trú của bị đơn cũng là một trong những vấn đề vướng mắc nổi lên trong thời gian vừa qua.

Có trường hợp tòa án yêu cầu ngân hàng phải cung cấp bản xác minh của cơ quan công an có thẩm quyền về nơi cư trú của khách hàng, bên bảo đảm trước khi thụ lý hồ sơ khởi kiện.

Tuy nhiên, thực tế công an địa phương nhiều nơi từ chối xác minh lý do thông tin cư trú là thông tin cá nhân, chỉ cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác.

Ngoài ra, một số vướng mắc khác thường xảy ra trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng như: Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất bị sai lệch diện tích, kích thước thửa đất thực tế so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng, về bảo lãnh thực hiện hợp đồng...

Tại hội thảo, đại diện một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, VPBank... đều đưa ra những dẫn chứng cụ thể tình trạng nhiều vụ án bị bế tắc, có những vụ án kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Hà Nội và các bộ phận chuyên môn cũng có những giải thích về vấn đề các ngân hàng nêu, trong đó có những nguyên vì lý do khách quan, những có một số nguyên nhân chủ quan cần khắc phục.

Chẳng hạn, ông Hoàng Ngọc Thành - Chánh Tòa kinh tế, cho biết, việc yêu cầu ngân cung cấp bản xác minh của công an về tình trạng cư trú của bị đơn là yêu cầu không cần thiết. "Việc này có thể xuất phát từ việc một số thẩm phán sợ quá trình thụ lý bị kéo dài nếu tòa đi xác minh, nên muốn làm "tròn trịa" hồ sơ trước khi thụ lý chính thức đã đưa yêu cầu ngân hàng phải đi xác minh, nhưng yêu cầu như vậy là không đúng" - ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng trình bày về thực trạng hiện nay quy định pháp luật về thời gian thụ lý hồ sơ là quá ngắn, do vậy, thực tế cơ quan tố tụng gần như không thể đáp ứng được, gây quá tải cho tòa án khi xử lý hồ sơ./.