PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế 8 tháng vừa qua?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong 8 tháng qua. Đầu tiên phải nói đó là dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt cao so với khu vực và trên thế giới. Lạm phát được kiểm soát có thể nói là thành công. Tỷ giá có lúc biến động, song vẫn trong tầm kiểm soát, dự báo cả năm tăng khoảng 2,5%. Sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, biến động lớn như vừa qua, đó là một sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

PV: Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng, thời gian tới khó khăn, thách thức là nhiều hơn thuận lợi, cơ hội. Theo ông, đâu là những thách thức, rào cản lớn nhất đối với điều hành kinh tế trong những tháng còn lại của năm?

Đi tìm động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới: Cần nhất sự đồng lòng
TS. Nguyễn Đức Kiên

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, khó khăn, thách thức tới đây là không ít. Từ bên ngoài, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có điểm dừng, lạm phát các nước tăng cao, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, FED tăng mạnh lãi suất đồng USD… tạo những áp lực lớn trong công tác điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở trong nước, sức ép lạm phát lớn. Giá nguyên nhiên, vật liệu đầu vào từ bên ngoài tăng cao sẽ có độ trễ và tác động đến chi phí của doanh nghiệp cũng như người dân. Giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm và là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tích cực. Thu hút vốn FDI giảm, vốn đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ. Điều này có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Trong đó, phải nhấn mạnh điều vướng nhất trong 4 tháng còn lại chính là có tiền mà không tiêu được. Giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 8, theo Bộ Tài chính, mới đạt hơn 35% kế hoạch. Xét về lý thuyết, đúng là tiêu một đồng vốn đầu tư công cũng phải chặt chẽ, tường minh, tránh thất thoát. Nhưng cũng vì đó mà mọi quy trình cứ kéo dài ra không có ai chịu trách nhiệm, từ đó giải ngân cứ ách tắc. Giải ngân các chính sách theo Chương trình phục hồi kinh tế cũng rất chậm.

Nói chung, chúng ta thiếu cơ chế người chịu trách nhiệm trong quyết định kinh tế, nên nhiều cơ hội đã trôi qua. Doanh nghiệp và tự nền kinh tế đã thích ứng với điều kiện mới và nắm bắt tận dụng cơ hội tốt hơn so với cơ quan quản lý, có thể nói vai trò đi trước mở đường dẫn dắt của cơ quan quản lý và thể chế cơ chế còn chậm.

Nguồn: Chính phủ Đồ họa: T.L
Nguồn: Chính phủ

Chẳng hạn, chúng ta có chính sách hỗ trợ người lao động rất nhanh, sớm nhưng triển khai đến người thụ hưởng lại rất chậm. Chính sách tốt và chuẩn nhưng ở tầng giữa đang có vấn đề. Không tận dụng hết được các cơ hội là lý do mà các nhà kinh tế hay nói tốc độ tăng trưởng Việt Nam vẫn dưới tiềm năng.

PV: Chúng ta đã đi qua gần 2 năm trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có rất nhiều diễn biến mới đã xảy ra. Theo ông, đâu là vấn đề cần được chú trọng trong 3 năm còn lại của kế hoạch giai đoạn này?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Bối cảnh mới đã rất khác so với thời điểm đầu nhiệm kỳ, khi các chiến lược, kế hoạch thu hút vốn FDI mới nhằm phát huy động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế được xây dựng. Khi đó, mục tiêu là điểm đến của FDI, là “xây tổ đón đại bàng”… Nhưng Covid-19, xung đột Nga - Ukraine xảy ra và đặc biệt là chính sách kêu gọi các nhà đầu tư trở về chính quốc đang khiến cuộc cạnh tranh dòng vốn FDI toàn cầu trở nên khốc liệt hơn và theo một nghĩa khác hẳn so với trước.

Dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine xảy ra đã cho thấy quyền lợi dân tộc, quyền lợi quốc gia khi có sự cố là hàng đầu, chứ không phải sự ổn định của kinh tế thế giới hay trách nhiệm của các quốc gia… Dường như thời kỳ phân chia sản xuất để tối ưu hóa lợi ích đang thay đổi, khi các nguồn vốn đang được kêu gọi trở về chính quốc, với lợi ích dân tộc rõ ràng. Hầu hết các FTA (hiệp định thương mại) trong hơn 2 năm vừa qua không phát huy hiệu quả. Bối cảnh đó cho thấy nếu không có độc lập tự chủ trong nền kinh tế thì không có động lực để phát triển và như thế, chúng ta buộc phải thay đổi.

Hiện nay, tổ tư vấn chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng hệ tiêu chí đánh giá mức độ độc lập, tự chủ của quốc gia để phục vụ cho việc chỉ đạo của Thủ tướng trong 3 năm tới. Tất nhiên đây chỉ là đánh giá ban đầu, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các bộ chuyên ngành nghiên cứu chuyên sâu để pháp điển hóa những nghiên cứu này.

8 tháng: Kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế 8 tháng, kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu. Bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, duy trì mặt bằng lãi suất, tỉ giá hợp lý để kiềm chế lạm phát. Thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Xuất nhập khẩu tháng 8 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; nền kinh tế tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD, tính chung 8 tháng xuất siêu 3,96 tỷ USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 8 tháng đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

PV: Như vậy theo ông, 3 năm tới chúng ta cần phải làm gì để phát huy được động lực tăng trưởng phù hợp với tình hình mới?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Động lực tăng trưởng của 3 năm còn lại của kế hoạch 5 năm đã thay đổi về chất so với lúc đầu xây dựng chiến lược. Xu thế của thế giới đã thay đổi lớn trong thời gian qua, kể cả về tiêu dùng và đầu tư.

Một ví dụ đang rất nóng là sản xuất chip, Trung Quốc là nước vốn đứng đầu về sản xuất chip. Khi dịch Covid-19, chiến tranh xảy ra, nhiều ngành sản xuất lao đao vì thiếu chip. Mỹ đã lập tức có gói chi tiêu trị giá hơn 50 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip nội địa và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này. Chắc chắn, các cường quốc trong sản xuất chip là Trung Quốc, Nga và cả Hàn Quốc sẽ không ngồi yên, sẽ có thêm chính sách để giữ chân các tập đoàn lớn trong ngành này. Như vậy, nếu không có những thể chế đột phá, các nỗ lực thu hút FDI trong nghiên cứu và phát triển, các ngành công nghệ của Việt Nam sẽ rất thách thức.

Theo tôi, động lực của chúng ta 3 năm tới là phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đưa kinh tế số vào các ngành sản xuất và đời sống, để chi phí logistic tương đồng với các nước trong khu vực. Như vậy ít nhất cũng giảm được 10% giá thành sản phẩm hiện đang chi cho chi phí logistic để cạnh tranh.

Làm được như vậy mới có động lực, nền tảng để hoàn thành kế hoạch 5 năm, 10 năm tới. Thực ra, không nên lo chúng ta thiếu tiền hay thiếu người để làm mà là lo thiếu sự đồng lòng, nhất trí để làm. Điều quan trọng là không nên và không thể tuyệt đối hóa, cầu toàn. Nếu cứ quá cầu toàn, sợ sai thì sẽ không thể được kết quả như mong muốn.

PV: Xin cảm ơn ông!