CPTPP: Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam Phát huy vai trò của địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA Doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng Hiệp định CPTPP đẩy mạnh xuất khẩu

Tốc độ tăng trưởng giảm dần, nguy cơ tụt hậu sẽ hiện hữu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Mặc dù chịu tác động mạnh và tiêu cực của đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, phức tạp, nhanh, mạnh và khó lường, Việt Nam vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được tăng trưởng kinh tế trong các năm 2020, 2021 và 2022.

Doanh nghiệp chưa có chiến lược tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do

Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo.

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần tính theo chu kỳ 10 năm, nếu xu hướng này tiếp tục, nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ là hiện hữu.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó có nguyên nhân về mô hình tăng trưởng, về không gian tăng trưởng, về động lực tăng trưởng, về hiệu quả sử dụng nguồn lực… Tại hội thảo, các diễn giả đã cùng nhau nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023; làm rõ vai trò, tác động của một số động lực tăng trưởng như: phát triển kinh tế số, hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế qua các FTA… Từ đó nhận diện những rào cản, khó khăn để đề xuất những giải pháp, chính sách trọng tâm nhằm tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới hiệu quả, bền vững.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đối với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu là một trong những tác động được kỳ vọng nhất từ việc tham gia các FTA. Trên thực tế, quá trình thực thi các FTA trong những năm qua đã hiện thực hóa phần nào kỳ vọng này.

Từ góc độ doanh nghiệp, các khảo sát doanh nghiệp về các FTA của VCCI năm 2020 và 2022 cho thấy các doanh nghiệp có đánh giá khá tích cực về hiệu quả của các FTA. Theo khảo sát năm 2022 của VCCI, có 54% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các FTA đã mang đến tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian qua (lớn hơn so với mức 46% trong Khảo sát 2020) và chỉ 1% doanh nghiệp cho biết đã chịu các tác động bất lợi từ các FTA liên quan tới các cam kết FTA (khảo sát năm 2020 là 3,2%).

Doanh nghiệp chưa có chiến lược tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề 1

Nghiên cứu đàm phán các FTA mới với Mỹ, châu Phi...

Mặc dù các kết quả thực thi FTA từ góc độ sản xuất xuất khẩu là rất tích cực, một số thực tế cho thấy nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng. Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.

Về tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan, quan sát cho thấy tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021) và diễn tiến không ổn định với từng Hiệp định. Điều này cho thấy các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi.

Về những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ các FTA, cũng theo Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy doanh nghiệp lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường (46,8% doanh nghiệp), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%). Và mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước, bất cập trong công tác tổ chức thực thi các FTA của các cơ quan nhà nước vẫn là lực cản với khoảng 28,2% doanh nghiệp.

Trước nhiều dấu hiệu bất lợi cho xuất khẩu trong quý IV/2022 và được dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023, đại diện VCCI kiến nghị kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan triển khai một số biện pháp hỗ trợ trực tiếp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa hóa việc sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA như: triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ); thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp; thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam….

Về dài hạn, VCCI kiến nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam, như Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi… Thiết lập chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA.