Các địa phương ngày càng quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các FTA

Tại tọa đàm nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội, ông Ngô Chung Khanh khẳng định, việc thực thi và tận dụng FTA, nhất là các FTA thế hệ mới trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực với kinh tế Việt Nam.

Phát huy vai trò của địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA
Thủy sản mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: TL

Ông Ngô Chung Khanh cho biết, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới và việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA này của các địa phương ngày càng tích cực hơn. Đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khoảng hơn 8 tháng kể từ khi FTA này có hiệu lực mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh thành. Thế nhưng, đến Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chỉ có khoảng 4 tháng và đến FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chỉ khoảng chưa đến 2 tháng đã có đầy đủ kế hoạch thực hiện từ các tỉnh thành.

Theo Bộ Công thương, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai con số cùng với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và có những tỉnh có những mặt hàng chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu, ghi nhận kim ngạch tăng trưởng.

Chia sẻ tại toạ đàm, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cũng cho biết ngay sau khi các FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng, triển khai thực thi các FTA. Trước mắt, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội tập trung vào các thị trường truyền thống, đang nỗ lực thúc đẩy tiệm cận với thị trường mới Canada, Mexico, Peru.

Mặc dù đã đạt kết quả nêu trên, theo ông Ngô Chung Khanh, dư địa vẫn còn rất lớn như chỉ có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Như vậy, rõ ràng vẫn còn dư địa để các tỉnh, thành phố tân dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu.

Giải pháp để các địa phương nâng cao năng lực hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị, bà Nguyễn Kiều Oanh cho biết thêm, mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu nhưng doanh nghiệp giao dịch xuất khẩu với các nước trong các hiệp định còn hạn chế. Trong năm 2022, Hà Nội có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước ký kết trong hiệp định và 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các FTA. Đây cũng là một kết quả rất cố gắng của Hà Nội trong thời gian qua.

"Mặc dù Hà Nội có biện pháp hỗ trợ từ việc đào tạo đến chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại xuất khẩu hàng hóa. Thế nhưng, các biện pháp này chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề cần tận dụng FTA, mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hay là tăng trưởng tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất xứ hàng Việt Nam" - bà Nguyễn Kiều Oanh nói.

Phát huy vai trò của địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA
Phát huy vai trò của địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA. Ảnh: Nguyễn Vân

Ông Đinh Trọng Cường - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng cho hay để chủ động thúc đẩy hội nhập sâu rộng và triển khai thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệp định CPTPP và các FTA khác. Qua đó, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn, thách thức như về mặt khách quan. Chẳng hạn như diễn biến bất lợi của quốc tế là cuộc xung đột của Nga - Ukraine còn kéo dài, diễn biến về chi phí năng lượng, nhiên liệu tăng, tình hình lạm phát ở các nước cũng như các chi phí logistics tăng, biến đổi khí hậu, các quy định cao về chất lượng sản phẩm cũng như các quy định về môi trường, lao động, thẻ vàng tại các nước.

Đồng thuận quan điểm nêu trên, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết từ kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai hỗ trợ hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, ông Ngô Chung Khanh cho biết, tới đây Bộ Công thương sẽ phối hợp triển khai về bộ chỉ số đánh giá FTA Index từ đầu năm 2023. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành lập một tổ công tác liên ngành và phối hợp với các tỉnh thành trong việc nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do FTA.