Từ 1/7/2016, sẽ có những thay đổi đáng kể trong việc xử lý tội phạm môi trường.

Từ 1/7/2016, sẽ có những thay đổi đáng kể trong việc xử lý tội phạm môi trường.

Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự 2015 mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7/2016 sẽ có những thay đổi đáng kể trong việc xử lý tội phạm môi trường trong thời gian tới.

Có hành vi là có thể xử lý

Theo thống kê năm 2015, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) , Bộ Công an phát hiện và thụ lý 41 vụ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 23 vụ với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Tội phạm môi trường ngày một gia tăng, trong khi đó, công tác tuy tố, xét xử và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn nhiều hạn chế.

Theo các chuyên gia, thực tế, từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ khởi tố điều tra và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc hai tội danh: Hủy hoại rừng và vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Trong khi đó, các tội danh khác, mặc dù gây thiệt hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe, tài sản của người dân nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi hàng loạt các vụ việc vi phạm pháp luật môi trường như Vedan, Nicotex Thanh Thái, Hào Dương… vấn đề xử lý hình sự đã được đặt ra. Tuy nhiên, kết quả chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính vì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Bà Lê Thị Hòa, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, theo Luật Hình sự 1999 việc xử lý hình sự là hết sức khó khăn bởi luật quy định phải xác định được hậu quả gây ra đối với môi trường.

“Rõ ràng việc xác định hậu quả của môi trường là vô cùng khó khăn, bởi hành vi vi phạm có thể đã thực hiện nhưng hậu quả thì chưa bộc lộ ngay. Đặc biệt, chứng minh mối quan hệ nhân quả hành vi càng phức tạp vì môi trường nhiều thành tố kết hợp như đất, nước, không khí, tài nguyên,… làm sao có thể chứng minh được việc ô nhiễm đó là hậu quả của hành vi phạm tội đấy”, bà Hòa chia sẻ.

Bộ Luật Hình sự 2015 mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7/2016 sẽ có những thay đổi đáng kể trong việc xử lý tội phạm môi trường. Bà Hòa cho rằng, Bộ Luật Hình sự 2015 có cách tiếp cận mới, nghĩa là xử lý tội phạm môi trường sẽ chú ý hành vi mà không cần phải chờ hậu quả. Ví dụ: Quy định mức xả thải tối đa là 10.000m3/ngày nếu xả vượt mức cho phép là đã xử lý hình sự rồi, không cần biết có gây hậu quả không…

Tăng nặng Hình phạt với doanh nghiệp vi phạm

Bên cạnh đó, Bộ Luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ hơn về chủ thể, theo quy định cũ thì chủ thể phạm tội chỉ là cá nhân, trong khi đó trên thực tế tội phạm môi trường thường rơi vào các doanh nghiệp, do đó trước đây chỉ xử lý được các cơ chế về dân sự là xử phạt hành chính. Tuy nhiên với tính chất mức độ mà doanh nghiệp gây ra thì mức xử phạt tới 500 triệu đồng cũng chẳng ăn thua.

Bộ Luật Hình sự 2015 đã đưa tội phạm môi trường có xử lý pháp nhân. Khi doanh nghiệp vi phạm các quy định về môi trường có thể sử dụng các hình phạt như phạt tiền, tước giấy phép, đình chỉ có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh..

Bà Hòa cho biết, việc bổ sung hình phạt đối với pháp nhân xuất phát từ thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hành vi ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng nhưng do Bộ Luật hình sự chưa quy định trách nhiệm hình sự nên việc xử lý các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiếu hiệu quả. Trước đây chúng ta xử lý pháp nhân rất ít chủ yếu xử lý hành chính, nhưng giờ hoàn toàn xử lý được hình sự, thời gian tới chắc chắn nhiều pháp nhân vi phạm môi trường sẽ được đưa ra để xử lý hình sự.

GS. Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 đã có những tiến bộ rõ nét, tuy nhiên vẫn cần những văn bản hướng dẫn cụ thể để tránh việc lợi dụng kẽ hở của luật.

Là một chuyên gia trong ngành hóa học, GS Bái cho rằng, cần quy định rõ ràng về các danh mục chất thải, bởi trước đây chúng ta chỉ quan tâm tới độ PH (độ axit hay độ chua của nước) là một sai lầm, bởi việc ô nhiễm có thể do nhiều chất khác. Chẳng hạn như hành vi xả thải ra môi trường 10.000 m3 nước thải nhưng độ PH ở mức cho phép, tuy nhiên chất thải đó lại gây hậu quả nghiêm trọng như mới đây việc cá chết trên sông Bưởi là do ô nhiễm phù dưỡng.

Hơn nữa Luật cũng cần quy định cụ thể về các chất hóa học, nếu vô hình chung các chất danh mục có độ nguy hiểm như nhau, trong khi đó độc tính chênh nhau 1.000 đến 5.000 lần sẽ trở nên nguy hiểm.

Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDT Tòa án nhân dân cho rằng việc xác định hậu quả môi trường là không dễ, vì vậy chúng ta cần xử lý theo theo hành vi, cách mà thế giới vẫn áp dụng.

“Chẳng hạn hành vi chôn lấp chất thải mới chôn hôm qua thì làm sao có thể gây hậu quả mà phải 40, 50 năm sau trong khi đó thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ có 10 năm thì làm thế nào xử lý được. Để Bộ Luật Hình sự 2015 được thực thi một cách hiệu quả thì trong thời gian tới sẽ phải có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn”, ông Độ cho hay.

Hồng Quyên