Sớm đưa các chính sách mới về đất đai, nhà ở đi vào thực tiễn
Mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn ở nhà ở xã hội. Ảnh tư liệu

Nhiều chính sách mới về phát triển nhà ở

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15.

Luật Nhà ở có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động quản lý và phát triển nhà ở.

Trong đó, về nhà ở xã hội (NOXH), luật có các quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, thúc đẩy nguồn cung NOXH, đảm bảo tính khả thi của các quy định khi áp dụng trên thực tế như: hình thức phát triển NOXH; đất dành để phát triển NOXH; đối tượng được hưởng chính sách NOXH; điều kiện được hưởng chính sách NOXH; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NOXH …

Ngoài ra, luật bổ sung thêm 2 chính sách mới là: phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua NOXH như hiện hành thì đối tượng người lao động làm việc trong khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân; đối tượng là lực lượng vũ trang được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Liên quan đến phát triển nhà ở, luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở;

Cùng với đó, Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung mới mang tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất; thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững…

Theo đó, luật đã có quy định công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai.

Luật quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân tự xây dựng nhà ở và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho tổ chức; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; chính sách điều tiết thị trường bất động sản.

Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách

Thị trường bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Cả hai luật này đều có hiệu lực từ 1/1/2025, cùng với ngày Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực. Tuy nhiên, mới đây tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiêm vụ được giao, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luất Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo dự thảo tờ trình, việc có hiệu lực sớm của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ góp phần phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của doanh nghiệp, nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc này tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến nhà ở, bất động sản, đất đai của doanh nghiệp; hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản và nhà ở phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai.

Người dân cũng sớm tháo gỡ được những khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận nhà ở, bất động sản, thực hiện thủ tục hành chính.

Về phía Nhà nước, việc sớm đưa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vào thi hành sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh nguồn cung cho nhà ở xã hội

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", theo đó mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn hộ NOXH.

Mặc dù có nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NOXH, tuy nhiên một số địa phương có nhu cầu về NOXH rất lớn, nhưng việc đầu tư NOXH còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025, hoặc một số địa phương không có dự án NOXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Chính vì vậy, việc có hiệu lực sớm của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ góp phần kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển NOXH trên thực tế, cũng như đẩy mạnh nguồn cung NOXH gắn với việc thực hiện đề án.