Phát biểu khai mạc, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Luật số 57/2024/QH15. Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả.

Thông qua Hội thảo, những thông tin hữu ích sẽ được cung cấp để giải đáp các thắc mắc về những điểm mới như phân quyền cho UBND cấp tỉnh, cơ chế hỗ trợ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch rút gọn và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu.

Sửa quy định thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh
Hội thảo “Luật số 57/2024/QH15 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư”. Ảnh: Lạc Nguyên

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết: “Tư duy xây dựng pháp luật đã chuyển từ ‘không quản được thì cấm’ sang kiến tạo và thúc đẩy phát triển, đẩy mạnh phân cấp phân quyền”. Năm 2024, các sửa đổi trong Luật Đất đai về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cùng cập nhật trong Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư với “Thủ tục đầu tư đặc biệt” và Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đã thu hút nhà đầu tư chiến lược. Năm 2025, Quốc hội tiếp tục sửa đổi các luật như Luật Doanh nghiệp và Luật Công nghiệp công nghệ số để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đồng thời giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Điểm nhấn của Luật số 57/2024/QH15 là đề xuất Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, với 15 nhóm chính sách đặc thù về thuế, ngoại hối, ngân hàng, và giải quyết tranh chấp linh hoạt. Doanh nghiệp trong khu vực này được thành lập công ty mẹ mà không cần thủ tục đầu tư phức tạp và áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, nhằm thu hút các tổ chức tài chính đa quốc gia.

Tuy nhiên, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cũng đưa ra lưu ý phân cấp phân quyền có thể dẫn đến thiếu đồng bộ, gây tranh chấp do chậm trễ thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong các dự án PPP, việc mở rộng phạm vi và tăng vốn Nhà nước đòi hỏi cơ chế thực thi minh bạch để tránh tranh chấp về chấm dứt hợp đồng hay phân chia rủi ro.

Với hơn nửa số vụ tranh chấp tại VIAC có yếu tố nước ngoài, ông Bắc khuyến nghị doanh nghiệp chủ động cập nhật quy định mới và sử dụng cơ chế trọng tài để quản lý rủi ro.

Hội thảo kết thúc với kỳ vọng rằng Luật số 57/2024/QH15 sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thành công phụ thuộc vào thực thi đồng bộ và sự thích nghi của doanh nghiệp. Với sự phối hợp chặt chẽ, Việt Nam có thể tận dụng đạo luật này để khẳng định vị thế trên trường quốc tế./.