Hơn 30 triệu lượt đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trên 28.000 tỷ đồng

Chiều ngày 30/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn”. Đây là 1 trong 10 diễn đàn được tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 (diễn ra từ 1-3/12).

Cơ chế quản lý tài chính, tài sản công đoàn đi vào thực chất hơn

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam XII (nhiệm kỳ 2018-2023), công tác tài chính, tài sản công đoàn đã được quan tâm chỉ đạo; các cấp công đoàn chủ động từng bước đổi mới theo định hướng chú trọng hiệu quả, công khai minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn
Đây là diễn đàn duy nhất về công tác quản lý tài chính, tài sản của công đoàn trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Cơ chế tài chính lĩnh vực sự nghiệp, kinh tế công đoàn tiếp tục đổi mới. Việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp của tổ chức công đoàn đã được các cấp công đoàn tích cực triển khai, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Cơ chế quản lý về tài chính, tài sản công đoàn trong thời gian qua đã đi vào thực chất hơn, tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng và rõ nét, đáp ứng yêu đổi mới tổ chức hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TW năm 2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”...

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, công tác sắp xếp, xử lý tài sản công đã được các cấp công đoàn quan tâm. Đến hết năm 2023, sẽ hoàn thành cơ bản việc kiểm tra, thiết lập biên bản kiểm tra hiện trạng toàn bộ cơ sở nhà, đất của tổ chức công đoàn tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng, nguồn vốn xây dựng cơ bản đã bố trí tập trung, nguồn vốn được bố trí và sử dụng hiệu quả.

Nhờ đẩy mạnh nhiều giải pháp quản lý thu kinh phí công đoàn hiệu quả, tỷ trọng thu đoàn phí công đoàn có chuyển biến tích cực theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Giai đoạn 2018-2022, tổng thu tài chính công đoàn tăng bình quân 7,5%/năm. Trong đó: thu kinh phí công đoàn tăng bình quân 17,6%/năm; thu đoàn phí công đoàn tăng bình quân 13,2%/năm.

Việc phân phối và sử dụng nguồn tài chính công đoàn được thực hiện minh bạch, theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở. Giai đoạn 2018-2022, tổng chi tài chính công đoàn tăng bình quân 8,6%/năm. Nguồn chi tập trung nhiều về cơ sở, cụ thể: chi tại cấp công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chiếm tỷ trọng bình quân trên 90% tổng chi hàng năm của các cấp công đoàn. Trong đó, chi hoạt động phong trào chiếm tỷ trọng bình quân 76,9% trong tổng chi công đoàn, tăng bình quân 15%/năm.

Việc công khai tài chính công đoàn đã được các cấp công đoàn triển khai theo quy định. Nhiều công đoàn cơ sở có đông đoàn viên, người lao động đã thực hiện tốt nhiệm vụ công khai tài chính, tạo điều kiện để đoàn viên kiểm tra, giám sát về việc điều hành hoạt động của ban chấp hành và tình hình thu, chi của công đoàn cơ sở.

Nâng cao tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công đoàn

Cũng theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong thời gian qua, cơ chế tài chính lĩnh vực sự nghiệp, kinh tế công đoàn tiếp tục đổi mới. Việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp của tổ chức công đoàn đã được các cấp công đoàn tích cực triển khai, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; chỉ đạo xây dựng phương án tự chủ đối với các nhà văn hóa, cung văn hóa lao động trực thuộc tổ chức công đoàn.

Công đoàn Việt Nam đã chủ động rà soát tài chính, tài sản và công tác quản lý các doanh nghiệp công đoàn theo quy định pháp luật; đồng thời, xây dựng Đề án tổng thể chuyển đổi, sắp xếp doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2022-2028 để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Chia sẻ về một số giải pháp nâng cao tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công đoàn, ông Nguyễn Minh Dũng - Phó Trưởng ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, tự chủ tài chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp các đơn vị sự nghiệp công đoàn bảo đảm hoạt động ổn định và phát triển bền vững.

Ông Dũng đã đưa ra 4 nhóm giải pháp bao gồm: hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; thực hiện các biện pháp tăng thu nhập; thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí và tăng tính minh bạch.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai tự chủ tài chính, đơn vị cần đánh giá và xác định các giải pháp phù hợp nhất với tình hình thực tế của mình. Điều này đòi hỏi đơn vị phải có một kế hoạch phát triển rõ ràng và đầy đủ để định hướng các hoạt động trong tương lai.

Cụ thể, trước khi triển khai các biện pháp tăng tính minh bạch trong quản lý tài chính, đơn vị cần đánh giá tình hình thực tế của mình, bao gồm các vấn đề liên quan đến hệ thống kế toán, quản lý tài sản và chi phí và cơ cấu tổ chức. Đánh giá này sẽ giúp đơn vị xác định những khó khăn, thách thức và cơ hội để tăng tính minh bạch trong quản lý tài chính.

Từ những khó khăn, thách thức và cơ hội đã phân tích, đơn vị cần lựa chọn ra những giải pháp cụ thể, đúng đắn, phù hợp nhất với tình hình thực tế của mình. Việc lựa chọn giải pháp phù hợp nhất sẽ giúp đơn vị thực hiện tự chủ tài chính một cách hiệu quả nhất và đáp ứng được xu thế quản lý của tổ chức công đoàn hiện nay.

Liên quan đến vấn đề phân cấp thu trong quản lý và đối chiếu số thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, đại diện Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đề xuất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét có cơ chế đặc thù cho các đơn vị có nguồn thu cao, tích lũy tài chính công đoàn lớn được mở rộng đối tượng chi. Đồng thời, nâng mức chi đảm bảo cân đối thu chi trong năm phục vụ tốt hoạt động công đoàn, chăm lo bảo vệ đoàn viên người lao động và cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ thu tài chính công đoàn.