Dự báo FDI từ EU trung và dài hạn sẽ gia tăng

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Sau 1 năm EVFTA có hiệu lực, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đạt được những kết quả tích cực, bất chấp Covid-19 gây ra nhiều trở ngại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 9/2021, EU có 2.242 dự án (tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,24 tỷ USD, chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án. Ngoài ra, các nhà đầu tư châu Âu còn đầu tư vào Việt Nam thông qua một nước thứ ba như Singapore hay Hồng Kông.

Đón đầu cơ hội từ EVIPA để gọi vốn FDI chất lượng cao

Theo GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam, EU là một đối tác thương mại quan trọng đối với Việt Nam. EVFTA đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư EU - Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo, dòng đầu tư trực tiếp FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao khi EVIPA có hiệu lực. GS.TS Andreas Stoffers cho biết, EVIPA là một hiệp định thế hệ mới rất quan trọng, thay thế cho 21 thỏa thuận đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước châu Âu hiện nay.

EVIPA đưa ra những tiêu chuẩn mới và chính xác hơn về hoạt động bảo hộ đầu tư. Vì vậy, khi hiệp định này có hiệu lực, sự tin tưởng của các nhà đầu tư EU sẽ tăng lên, giúp Việt Nam thu hút được các hoạt động đầu tư có chất lượng cao hơn từ châu Âu. Ví dụ như trong các lĩnh vực về sản xuất, tài chính, giao thông, y tế, logistics, phân phối. Các tác động lan tỏa của hoạt động đầu tư mới sẽ được lan tỏa hơn và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đã có 7 nước EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU đã được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào 2/2020 và Quốc hội Việt Nam vào tháng 6/2020. Hiện nay hiệp định đã được 7 nước EU phê chuẩn, bao gồm: Séc, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Romania, Thuỵ Điển và Hungary.

Tuy nhiên, không có những con đường một chiều, hoạt động đầu tư và hoạt động thương mại luôn luôn song hành với nhau. Vì vậy, bên cạnh việc sớm thúc đẩy việc phê chuẩn EVIPA từ các nước thành viên EU, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hiệp định này đi vào thực hiện, để thu hút những nguồn vốn FDI chất lượng cao từ EU.

Sẵn sàng về chính sách

Theo GS. Andreas, với tình trạng dịch Covid-19 như hiện nay, không thể có “zero virus” mà vẫn phải tiếp tục sống chung. Việt Nam cần phải chuẩn bị các chính sách về tiền tệ, tài chính một cách rất thận trọng trong tình hình mới. Một điều rất quan trọng khác là các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải sẵn sàng về mặt chính sách, để khi EVIPA có hiệu lực, lập tức có ngay chính sách điều chỉnh phù hợp, tránh sự “lúng túng”, dẫn đến trễ cơ hội cho các doanh nghiệp hai bên.

Bên cạnh đó, để tận dụng, đón đầu được lợi thế từ EVIPA, Việt Nam cần phải tăng tốc cải thiện nhiều hơn nữa. Đó là cải thiện hoạt động sản xuất, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chuyển đổi số, triển khai các công nghệ blockchain. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, gần đây các nhà đầu tư châu Âu có xu hướng tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm...

Cũng theo Giám đốc Quốc gia FNF Việt Nam, Việt Nam cần phải có cơ chế tham gia và thực hiện đầy đủ các hệ thống của các FTA mà Việt Nam là thành viên như EVFTA, RCEP, đảm bảo chính trị tự do và tuân thủ pháp luật. Đồng thời, sử dụng EVIPA và “đà” của hiệp định này để thu hút các nhà đầu tư hơn nữa đến Việt Nam; coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực.

Ngoài ra, EVIPA là một hiệp định bảo hộ đầu tư rất cụ thể, chính xác, với nhiều tiêu chuẩn mới. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cả về chất lượng và quy mô để đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường châu Âu; đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng bền vững cho khách hàng châu Âu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của EU; tìm hiểu phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng của người dân châu Âu; những vấn đề mà doanh nghiệp cần phải tránh để không liên quan đến pháp lý, sẵn sàng cho cả hoạt động đầu tư vào châu Âu trong tương lai.