Thúc đẩy chủ động đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Điểm mới của nghị định quy định việc đơn giản hóa, rút gọn các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trực tuyến đối với các đơn SHCN. Đây là điểm quan trọng góp phần thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp và các cá nhân chủ động đăng ký xác lập, bảo hộ quyền SHCN.

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) chủ động đăng ký, khai thác thương mại các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp

Nghị định số 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Ảnh: TL.

Nghị định đã quy định các thủ tục để tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông báo, đăng ký xác lập quyền SHCN đối với kết quả nghiên cứu (là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí) để bảo đảm thủ tục xác lập quyền được thực hiện sớm nhất có thể.

Đặc biệt, một điểm nổi bật liên quan đến giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN trong nghị định là quy định cho phép công khai sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nếu không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Quy định có tính “mở” này tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội được sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tránh gây lãng phí.

Để ứng dụng công nghệ, tích hợp với các dịch vụ công trực tuyến khác, nghị định đã hướng dẫn việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về SHCN để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và khả năng tiếp cận các kho thông tin cho các đối tượng có nhu cầu dùng tin phục vụ hoạt động xác lập và bảo vệ quyền SHCN.

Cụ thể, Điều 29 của Nghị định đã bổ sung quy định cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng điện tử, quy định này giúp Việt Nam tiếp cận với cách thức cấp văn bằng của các nước tiên tiến trên thế giới, giảm thiểu tài liệu, hồ sơ giấy và thời gian chờ đợi của người nộp đơn…

Những đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ nghị định

Theo ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, đối tượng áp dụng của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP rất rộng, từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền SHCN tại Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân có quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ hoặc có hành vi xâm phạm quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng.

Do đó, có thể nói, nghị định sẽ có tác động đến tất cả các đối tượng từ người dân, doanh nghiệp Việt Nam đến các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, các trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt là các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước là một trong các đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ nghị định.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.

Chủ thể này được giao quyền đăng ký đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn song nghị định cũng quy định việc thực hiện các nghĩa vụ trong việc báo cáo, nộp đơn đăng ký, khai thác sử dụng…

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng là đối tượng chịu nhiều tác động từ nghị định. Một loạt các quy định trong nghị định đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc triển khai thực hiện nghị định trong thực tiễn.

Ví dụ, đối với Cục SHTT là các quy định liên quan đến thẩm định đơn đăng ký sáng chế mật, nhãn hiệu âm thanh, cấp văn bằng bảo hộ dạng điện tử, kiểm soát an ninh đối với sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh quốc phòng; với cơ quan hải quan là trình tự, thủ tục chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan; với cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN trong việc quản lý các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước…

Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, việc ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP là cần thiết nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao và biện pháp thi hành Luật SHTT; kế thừa quy định của các văn bản hiện hành và chỉnh lý phù hợp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về SHTT đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan; kịp thời hướng dẫn các quy định để tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.