Dòng tiền sẽ quan tâm nhiều hơn nhóm vốn hóa lớn
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán dự báo sẽ quan tâm nhiều hơn tới nhóm vốn hóa lớn. Ảnh: Duy Dũng.

Điểm sáng đến từ dòng tiền khối tổ chức

Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua những phiên điều chỉnh sau nhịp tăng khá mạnh trong tháng 7. Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường vẫn ở mức khá tốt và điều này đang tạo kỳ vọng nhịp điều chỉnh sẽ nhanh qua, tích lũy để hồi phục đà tăng.

Việc thị trường tăng và điều chỉnh là cần thiết để củng cố cho xu hướng tăng trung hạn. Yếu tố quan trọng nhất của thị trường trong bối cảnh hiện nay chính là sức mạnh và hướng đi dòng tiền.

Nhìn lại dòng tiền tháng 7/2023, các chuyên gia của SSI Research cho biết, dòng tiền trong tháng 7 có sự luân chuyển và tìm kiếm cơ hội tại các nhóm ngành chưa tăng nhiều ở nửa đầu năm. Phần lớn đó là các nhóm ngành cần sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ như bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu. Đây là 3 nhóm tăng chậm ở nửa đầu năm và quay trở lại tăng mạnh nhất thị trường chung trong tháng 7 khi nhà đầu tư kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua và kết quả kinh doanh bắt đầu tạo đáy.

“Nhìn chung, với nhiều câu chuyện hỗ trợ, các nhóm ngành đều tăng trưởng dương trong tháng 7, trong đó vượt trội mặt bằng chung ghi nhận ở các nhóm công nghệ thông tin, công nghiệp và vật liệu xây dựng theo sau nhóm bất động sản và tiêu dùng” - chuyên gia của SSI Research cho biết.

Phân loại theo nhóm nhà đầu tư, các chuyên gia này cũng nhận thấy điểm sáng đến từ khối tổ chức, khi các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài lần lượt mua ròng 1,6 nghìn tỷ đồng và 730 tỷ đồng trong tháng 7. Ngược lại, sau giai đoạn liên tục mua ròng trong quý II/2023 và đem lại lợi suất tốt trong chu kỳ đi lên của thị trường, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đang có động thái chốt lời ngắn hạn. Cụ thể, nhóm nhà đầu tư này đảo chiều bán ròng 1,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 7, tập trung tại nhóm vật liệu với gần 2,7 nghìn tỷ đồng.

Nhóm vốn hóa lớn sẽ hút tiền nhiều hơn

Báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong nửa đầu năm, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ghi nhận đà tăng vượt trội so với mức trung bình của thị trường nhờ vào sự kỳ vọng của các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên định giá của nhóm này hiện tại đã ở mức quá cao, hạn chế tiềm năng tăng giá.

BVSC cho rằng, với bối cảnh vĩ mô và môi trường kinh doanh tích cực hơn, nhóm vốn hóa lớn có kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện trong 2 quý cuối năm và đặc biệt có sự phục hồi mạnh về lợi nhuận trong năm 2024 sẽ thu hút được dòng tiền. Trong số đó, nhóm ngân hàng với mức định giá vẫn đang ở quanh mức thấp của P/B (lợi nhuận/giá trị sổ sách) từ năm 2016 tạo ra cơ hội tích lũy ở thời điểm hiện tại.

Cũng theo các chuyên gia của BVSC, lợi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 3/2022 là một trong các yếu tố chính gây áp lực giảm cho VN-Index. Nhưng hiện tại, mặt bằng lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm từ đỉnh tháng 12/2022 đang là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tiền gửi khu vực dân cư trong giai đoạn lãi suất cao 10/2022 - 3/2023 đạt trung bình 1,82% (theo tháng), cao hơn đáng kể so với mức trung bình 0,69% trong 9 tháng năm 2022. Lượng tiền gửi tăng đột biến do lãi suất huy động cao là khoảng 400.000 tỷ đồng (thông thường cho kỳ hạn 6 tháng - 12 tháng). Với mặt bằng lãi suất điều hành tiếp tục giảm từ mức đỉnh, thị trường chứng khoán có cơ hội thu hút được một phần khoản tiền gửi đáo hạn đi tìm cơ hội đầu tư.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia cho rằng, chỉ số VN-Index chính thức vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm vào những phiên cuối tháng 7 vừa qua. Động lực chính hỗ trợ thị trường là dòng tiền nội trong bối cảnh xu hướng lãi suất giảm đã được định hình, các khoản tiền gửi tiết kiệm đáo hạn cuối tháng 6 quay trở lại thị trường. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tháng 7 đạt gần ngưỡng tỷ USD (21.180 tỷ đồng/phiên), tăng 33,4% so với mức bình quân ở quý II vừa qua.

“Kể từ khi vượt ngưỡng 1.200 điểm, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục tăng lên mức 26.895 tỷ đồng, tức tăng thêm 27% so với tháng 7. Khi chỉ số chung đã vượt ngưỡng kỹ thuật, dòng tiền quan tâm nhiều hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn” - chuyên gia này cho hay.

Theo thống kê ở nhóm 100 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất, khả năng thanh khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao nhất sàn HOSE (VN100), chỉ sau phiên thị trường vượt ngưỡng 1.200 điểm, dòng tiền đổ vào nhóm VN100 hoặc VN30 từ thời điểm đó cho đến nay tăng lần lượt 27,2% và 30% so với thời điểm tháng 7, mức tăng này cũng cao hơn so với nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ lần lượt từ 24% đến 26%. Dòng tiền tập trung ở các cổ phiếu nổi bật trong nhóm vốn hóa lớn (VN100) như: HPG (884 tỷ đồng/phiên, + 51,3%), STB (807 tỷ đồng/phiên, +20,3%), ACB (755 tỷ đồng/phiên, + 346%), VND (733 tỷ đồng/phiên, +21,5%), DIG (732 tỷ đồng/phiên, +17%), VIC (669 tỷ đồng/phiên, +306%)…

“Với việc chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục trong xu hướng tăng và tìm các mức cao mới, dòng tiền đã có tín hiệu chảy vào các quỹ ETF, nhóm cổ phiếu bluechips sẽ có lợi thế khi nằm trong danh mục mô phỏng chỉ số.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 tăng

Theo SSI Research, xét riêng nhóm VN30, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đã quay lại tăng trưởng dương trong quý II/2023 và tạo động lực cho bức tranh lợi chung trên HOSE thu hẹp đà suy giảm khi cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt ngang mức cùng kỳ.