Duy trì chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ doanh nghiệp
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Điểm tựa cho nhiều chính sách vĩ mô quan trọng

Ngay từ thời điểm cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã có những gói tài khóa khác nhau để ứng phó với diễn biến sắp tới. Bộ Tài chính đã xác định sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã lên các phương án về thuế, phí, lệ phí, giảm tiền thuê đất, duy trì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tạo dư địa trong điều hành lạm phát.

Thực hiện lời hứa của mình, trong năm 2023 Bộ Tài chính tiếp tục tung ra hàng loạt các chính sách về giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, nhiều khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trả lời trong cuộc tọa đàm mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sự phối hợp nhịp nhàng các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã góp phần giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả trong khi vẫn hỗ trợ nền kinh tế.

Khi cần kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp về chính sách tiền tệ để giữ lạm phát trong mức mục tiêu. Trong trường hợp để thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế, chúng ta phải dùng chính sách tài khóa mở rộng như giãn, hoãn thuế, giảm nhiều sắc thuế, giảm tiền thuê đất… cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tăng cường, mở rộng đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm. Cùng lúc đó, phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch. “Thành quả ấn tượng của Chính phủ trong thời gian qua là sự phối hợp nhịp nhàng các chính sách để cùng đạt được mục tiêu đề ra” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

3 năm đã giãn, giảm hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế

Năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí là 132 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn và giảm là 24 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 108,4 nghìn tỷ đồng. Năm 2022 chúng ta huy động được nguồn lực lớn nhất và thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí lớn nhất, là 200,3 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm 89 nghìn tỷ đồng và gia hạn 110,7 nghìn tỷ đồng... Năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ đã trình và dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74,2 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, cho Đảng về chính sách tài khóa, thời gian qua, Bộ Tài chính đã kiên định thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 500 nghìn tỷ đồng là số tiền rất lớn, chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ gói kích thích này đã góp phần quan trọng giúp kinh tế phục hồi, được coi là điểm tựa, là bệ đỡ để thực hiện nhiều chính sách vĩ mô quan trọng. Dư địa chính sách tài khóa hiện nay cũng chính là không gian để Chính phủ tiếp tục đề xuất, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, kết quả thu ngân sách đến nay vẫn đạt theo dự toán, mặc dù có giảm so với cùng kỳ, song mức giảm không nhiều. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực thi các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và đạt được các mục tiêu của chính sách tài khóa. Đồng thời, chú trọng việc phối hợp đồng bộ với các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.

Nhắc về chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng cho biết, đây là mức giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm thuế, làm thế nào để cân đối được tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách - đó là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành Tài chính.

Ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính cần bám sát diễn biến, tình hình giá cả thị trường, chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá linh hoạt, thận trọng, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định hiện hành, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Trong điều hành, để đạt được các mục tiêu về tài chính - NSNN đề ra, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó về công tác quản lý thu NSNN, tiếp tục tăng cường chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản, đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cùng với đó, tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế...

Giải pháp tài khóa kịp thời, tăng cơ hội cho doanh nghiệp

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính thời gian qua, khi duy trì chính sách tài chính vì người dân, vì doanh nghiệp. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chúng ta đang có dư địa khá tốt để thực hiện chính sách tài khóa.

“Tôi đánh giá cao là thời gian vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, tiền thuê đất và vừa qua đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế GTGT 2%. Tôi nghĩ rằng đây là những biện pháp rất kịp thời, tăng cơ hội cho doanh nghiệp” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường chia sẻ.

Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, giai đoạn năm 2023 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được. Chính sách tài khóa cũng cần có sự điều chỉnh theo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Những lo ngại hiển hiện khi chúng ta đang đứng trước thế "lưỡng nan", vừa muốn tiếp tục nới lỏng chi tiêu, vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hệ quả là cán cân ngân sách có nguy cơ mất cân đối nhiều hơn. Tuy nhiên, cái khéo trong điều hành thời gian qua của Chính phủ, Bộ Tài chính đã giúp đạt đa mục tiêu, vừa giãn giảm thuế, phí, lệ phí nhưng thu NSNN vẫn đảm bảo theo dự toán để kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi.

Năm 2022, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, đã ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đó là cơ sở để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Moody's và Standard & Poor's đều đánh giá Việt Nam có triển vọng "tích cực" sau một thời gian chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam. Điều này cũng thể hiện sự toàn diện của kinh tế - xã hội Việt Nam; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành đúng lúc, đúng thời điểm.

Từ nay đến cuối năm dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, chính sách tài khóa sẽ tập trung vào đồng bộ các giải pháp để đảm bảo những ưu tiên trong điều hành, đảm bảo nguồn thu bền vững, đáp ứng các nhiệm vụ chi của Nhà nước cũng như khơi thông các nguồn lực của nền kinh tế./.