Thế giới ghi nhận trên 5,17 triệu ca tử vong; Nga vẫn "soán ngôi" thứ nhất Chỉ trong 24 giờ, thế giới ghi nhận trên 567.000 ca mắc và trên 7.000 ca tử vong Tăng trở lại cả số ca mắc và tử vong; châu Âu thành tâm dịch mới

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/11/2021.
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 63.280 ca trong 24 giờ qua; Đức đứng thứ hai với 54.268 ca; tiếp theo là Anh (42.484 ca).

Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.243 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (854 ca) và Ukraine (720 ca tử vong).

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 234.256.902 người, 19.473.863 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 81.286 ca nguy kịch.

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 48.811.860 người, trong đó có 795.834 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.533.473 ca nhiễm, bao gồm 466.147 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.030.182 ca bệnh và 613.066 ca tử vong.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 81,47 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 71,12 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 58,44 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 38,84 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,66 triệu ca và châu Đại Dương trên 356.000 ca nhiễm.

Ngày 23/11, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu dự đoán khu vực gồm 53 quốc gia này có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong mới do COVID-19 vào mùa Xuân tới.

Chú thích ảnh
Người dân uống cafe tại một nhà hàng ở Vienna, Áo, ngày 20/11/2021.

Tuyên bố của WHO khu vực châu Âu cũng cảnh báo 25 quốc gia tại châu lục này sẽ đối mặt áp lực lớn về giường bệnh và từ nay đến ngày 1/3/2022, 49 trong tổng số 53 quốc gia châu Âu có thể chứng kiến tình trạng quá tải trong các khu điều trị tích cực. Nếu diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng tiếp diễn, tổng số ca tử vong tại châu Âu có thể tăng lên 2,2 triệu ca vào mùa Xuân tới.

Thống kê cho thấy trong tuần trước, số ca tử vong theo ngày tại châu Âu đã tăng lên gần mức 4.200 ca/ngày, gấp 2 lần so với số liệu của cuối tháng 9. Cho tới nay, số ca bệnh không qua khỏi do COVID-19 tại châu Âu là 1,5 triệu ca trong tổng số hơn 81,4 triệu ca mắc.

Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 54.268 ca mắc mới COVID-19. Tỷ lệ mắc trong 7 ngày là 399,8 ca/100.000 người, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch. Trong khi đó, các khoa chăm sóc đặc biệt cũng đang quá tải bệnh nhân. Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng đột biến tại Đức trong những tuần qua được cho là do tốc độ tiêm vaccine bị chậm lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Munich, Đức.

Tính đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh tại Anh có xu hướng lắng dịu hơn so với nhiều nước châu Âu. Trung bình hiện nay Anh ghi nhận khoảng 40.000 ca mắc/ngày, nhưng số ca tử vong được giữ ở mức thấp.

Ngày 23/11, Hà Lan đã bắt đầu chuyển bệnh nhân COVID-19 của nước này sang Đức điều trị nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong nước. Trong những tuần gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại các bệnh viện ở Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ kể từ tháng 5 và dự báo sẽ tiếp tục tăng do số ca mắc đang tăng lên mức cao nhất từ đầu dịch.

Bồ Đào Nha các nhà khoa học tại Viện bách khoa Porto của nước này đang phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 có thể ăn cùng các chất lỏng như sữa chua hoặc nước trái cây. Người điều phối dự án nghiên cứu trên, ông Ruben Fernandes cho biết, nghiên cứu này không nhằm thay thế những công nghệ phát triển vaccine hiện nay, thay vào đó mục đích là nhằm tăng cường hệ miễn dịch để các loại vaccine đang được sử dụng hiện nay hoạt động hiệu quả hơn.

Ngày 23/11, Ấn Độ thông báo trong 24 giờ qua có 7.579 ca mắc mới COVID-19 - mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi qua. Đáng chú ý, số ca mắc mới ghi nhận hàng ngày tại Ấn Độ liên tục giảm mặc dù vài tuần gần đây đã diễn ra nhiều sự kiện lớn tập trung đông người tại nước này.

Ngày 22/11, Israel bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi nhằm bảo vệ nhóm đối tượng này trước mối đe dọa từ làn sóng lây nhiễm mới. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Israel đã thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân từ 5 tuổi trở lên tại nước này.

Campuchia sau hơn 3 tuần mở cửa lại hầu hết các lĩnh vực, số ca nhiễm COVID-19 theo ngày tại nước này tiếp tục ở mức hai chữ số và mọi hoạt động gần như trở đã lại quỹ đạo bình thường. Trong thông cáo phát đi ngày 23/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận trong 24 giờ qua có 39 ca mắc COVID-19 và thêm 4 ca tử vong, trong đó 2 ca chưa tiêm phòng.

Chú thích ảnh
Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021.
Tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 23/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.323 ca mắc mới và 4 ca tử vong. Sau 2 ngày có chiều hướng giảm, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng trở lại ở mức 4 con số. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 64.482 ca, trong đó có 137 người tử vong.

Thái Lan, sáng 23/11 ghi nhận thêm 5.126 ca mắc mới và 53 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 2.076.135 ca, trong đó có 20.489 ca tử vong.

Malaysia đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 5.757 ca trong 24 giờ qua. Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới trồi sụt quanh khoảng 5.000-6.000 ca.

Ca nhiễm mới ở Philippines giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 1.153 ca trong ngày 23/11. Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn ở mức cao so với ca nhiễm, với 195 ca trong ngày. Từ ngày 5/11, Philippines đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động phổ biến tại quốc gia này như karaoke và bóng rổ cũng như mở cửa trở lại các trường đại học tại thủ đô Manila.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm 24.995 ca mắc mới COVID-19 và 432 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.884.465 trường hợp và 288.868 ca tử vong. Toàn khối có 13.143.384 bệnh nhân đã bình phục.