Lãi suất xuống "đáy" có giúp “sức khỏe” của doanh nghiệp được cải thiện?
"Sức khỏe" doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Ảnh: TL

Lãi suất thấp, doanh nghiệp "khát" vốn nhưng ngại vay

Thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất và tích cực thúc đẩy tín dụng an toàn, hiệu quả, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước thông báo mặt bằng lãi suất hiện nay đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Cụ thể, lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn, thuộc mọi lĩnh vực đều giảm được khoảng 2,5% so với cuối năm 2022, đầu năm 2023. Trong đó, lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ chỉ còn dưới 4%/năm.

Điển hình, trong năm 2023, Vietcombank đã triển khai giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu bằng VND; đã thực hiện 46 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, 8 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp.

Với nhiều đợt giảm lãi suất cho vay trong suốt cả năm 2023, Vietcombank đã giảm gần 5.800 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của thành viên các hiệp hội ngành hàng, dù lãi xuất giảm doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Thậm chí, không ít doanh nghiệp không dám vay vốn, thờ ơ trước những chính sách ưu đãi hiện tại về lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết phải kể đến những yếu tố về điều kiện vay vốn. “Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản về quy trình, thủ tục khi vay vốn. Nhiều doanh nghiệp bị áp đặt những điều kiện tín dụng bất lợi và thủ tục vay vốn phức tạp, phiền hà; không thể vay vốn khi thiếu tài sản thế chấp, chứng minh kế hoạch kinh doanh…” - ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế kiêm Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, các ngân hàng thương mại thường chấm điểm tín dụng khi cho vay, trong khi đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, “sức khỏe” chưa ổn định nên có rủi ro cao. Trong trường hợp này, lãi suất cho vay sẽ không giảm.

Về câu chuyện này, theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme), lãi suất cho vay giảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và chi phí thấp hơn, song vẫn đề nằm ở chỗ, điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc doanh nghiệp có làm ăn hiệu quả, có đầu ra cho sản xuất và có nhu cầu mở rộng quy mô đầu tư sản xuất hay không, từ đó mới dẫn đến nhu cầu về vay vốn tín dụng. Vì vậy, với tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa “sức khỏe” đang yếu, đau đầu với bài toán sinh tồn và việc tiếp cận với dòng vốn là điều hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho biết thêm, kinh tế suy thoái, thị trường suy giảm, kinh doanh khó khăn nên lãi suất dù ở mức thấp vẫn cao hơn với mức tăng trưởng của doanh nghiệp. “Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… khả năng phục hồi kinh tế chậm, nhu cầu nhập khẩu chưa được cải thiện khiến xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt thiếu đơn hàng, giá cả xuống thấp, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu suy yếu dẫn đến việc cắt giảm lao động lẫn giờ làm, chỉ cố gắng duy trì sản xuất một cách cầm chừng, tăng trưởng lợi nhuận dường như không có nên lãi suất mức hiện nay vẫn là rào cản để doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền” - ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh.

Giải pháp để cải thiện “sức khỏe” doanh nghiệp

Chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cho hay, họ vẫn mong muốn lãi suất giảm thêm với khoảng 3% - 4%/năm giống như các nước trên thế giới. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể hấp thụ tốt dòng vốn và tiền thu về sau khi trả lãi vay ngân hàng mới đủ “số dư” để cải thiện “sức khỏe”.

Song, dù các ngân hàng vẫn đang tích cực tiết kiệm chi phí để lấy cơ sở hỗ trợ nền kinh tế, nhưng nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, năm 2024 sẽ không còn có nhiều dư địa để tiếp tục giảm lãi suất, vì có thể nói hiện đã đi vào “vùng đáy”.

Hiện tại mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là được giãn nợ, kéo dài thời gian gia hạn nợ...

Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là bản thân các ngân hàng thương mại cần giảm lãi suất cho vay một cách thực chất bởi hiện không ít doanh nghiệp vẫn đang vay với lãi suất không thấp hơn mức 10%/năm.

Lãi suất xuống "đáy" có giúp “sức khỏe” của doanh nghiệp được cải thiện?
Dù lãi xuất giảm doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, những vướng mắc về thủ tục mặc dù được đề cập rất nhiều lần để tháo gỡ mà cho đến nay đây vẫn là rào cản tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản nhưng vẫn không vay được hoặc chỉ vay được số vốn rất ít, không đủ để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh. "Các ngân hàng cần cải cách các thủ tục, điều kiện vay vốn một cách hiệu quả hơn, phù hợp thực tế hơn” - Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh.

Còn theo ông Cẩm, trước mắt ngân hàng nên tiếp tục hỗ trợ việc đảo nợ, nâng hạn mức cho vay cho các doanh nghiệp. "Khi rào cản khó khăn pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để như hiện nay, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là được giãn nợ, kéo dài thời gian gia hạn nợ...thay vì tiếp cận tín dụng mới" - ông Cẩm nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp, nhà nước cần có giải pháp giải quyết vấn đề đầu ra, kích thích được tăng trưởng tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu, thông qua đó đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để tăng trưởng nhu cầu vốn./.