Gia Lai kêu gọi xúc tiến đầu tư, tìm đầu ra cho sản phẩm chủ lực

Ban lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở ngành tại buổi họp báo công bố sự kiện. Ảnh: Gia Cư

Nhiều tiềm năng để phát triển

Là địa phương có diện tích lớn thứ hai cả nước, có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến như: rau, quả, cao su, cà phê, chè, mía đường, dược liệu, nuôi trồng thủy sản… với nguồn năng lượng gió dồi dào bậc nhất Tây Nguyên, Gia Lai cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mới. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư như: quảng bá về tiềm năng, đưa cơ hội đầu tư đến với các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, tuần lễ các sự kiện diễn ra từ ngày 19/5 đến ngày 24/5, là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của một tỉnh Tây Nguyên. Trong khuôn khổ của tuần lễ sẽ có nhiều hoạt động nổi bật tại thành phố Pleiku. Tỉnh sẽ có diễn đàn “Kết nối nông nghiệp giữa các tỉnh Tây Nguyên", qua đó, kết nối sản xuất tiêu thụ và có chiến lược quảng bá sản phẩm nông nghiệp ở Gia Lai, nhất là tỉnh lại có thế mạnh về đất đai, sản phẩm nông nghiệp, có định hướng phát triển về rừng, cây dược liệu, hoa rau và cây ăn quả, các sản phẩm truyền thống như cà phê, tiêu.

“Song song đó, chúng tôi cũng rất trăn trở về sản phẩm OCOP - chương trình mỗi xã một sản phẩm, để tìm đầu ra cho sản phẩm này. Chúng tôi thống nhất tổ chức hội chợ quy mô quốc gia giới thiệu quảng bá sản phẩm của các tỉnh Tây Nguyên cũng như duyên hải miền Trung. Đồng thời, có hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, thông báo các dự án quan trọng kêu gọi đầu tư vào tỉnh” - bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay.

Theo ông Trần Ngọc Nhung - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, điểm nổi bật của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng là khu vực hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên, sở hữu vẻ đẹp nguyên sinh và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.

Trong khi đó, cụm di tích Tây Sơn Thượng Đạo là nơi ghi dấu buổi đầu cuộc khởi nghĩa nông dân do ba anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo vào cuối thế kỷ 18; đầu năm 2022, quần thể di tích này đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt, công trình khai quật khảo cổ tại di tích Rộc Tưng – Gò Đá tại thị xã An Khê, được tiến hành 5 năm qua trong sự hợp tác giữa Việt Nam và Nga. Kết quả khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị rất quan trọng, là bằng chứng sinh động về văn hóa của cộng đồng cư dân sơ kỳ Đá cũ cách đây khoảng 800.000 năm trên đất Gia Lai và cũng là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam. Những phát hiện kỹ nghệ đá cũ ở An Khê đã làm thay đổi nhận thức về tổ tiên loài người.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái động thực vật phong phú mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại cao nguyên Kon Hà Nừng - nơi vừa được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng hơn 65.000 hecta. Ngoài ra, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận “Phở khô Gia Lai” lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và “Mật ong rừng Gia Lai” lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam…

Khơi thông dòng chảy kinh tế từ văn hóa du lịch

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết, với lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của hai tộc người chiếm số đông tại Gia Lai là Jrai và Bahnar thực sự độc đáo, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, với nhiều phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, kết hợp chuỗi di tích lịch sử đã tạo nên những thế mạnh riêng để Gia Lai phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cộng đồng hấp dẫn…

“Gia Lai là một trong những tỉnh Tây Nguyên có được di sản văn hóa, di sản thiên nhiên rất đặc trưng. Rất nhiều điểm đến về du lịch rất đẹp, hấp dẫn. Như thác 50, hay còn gọi là thác hang Én, mặc dù có đường vào nhưng đường đi rất khó khăn. Ngoài ra còn nhiều điểm đến hấp dẫn, tuy giá trị du lịch này rất lớn nhưng những năm qua, việc đầu tư cho việc này vẫn còn hạn chế” - ông Nhung chia sẻ.

Hiện nay, sản xuất trồng trọt là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Gia Lai với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế như cà phê, hồ tiêu, cao su, mật ong, dược liệu…Các ngành nghề được tỉnh Gia Lai ưu đãi hỗ trợ đầu tư: sản xuất các sản phẩm từ cao su, chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột, chế biến sản phẩm hồ tiêu; đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch sinh thái với quy mô từ 20 ha trở lên…

Về dự án đường cao tốc sẽ hình thành trong tương lai, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế thông tin: Tỉnh Gia Lai có hai hệ thống đường cao tốc, một là đường cao tốc Đông Tây kết nối từ Gia Lai xuống Quy Nhơn và một cao tốc Bắc Nam - cao tốc phía Tây đi từ Kontum xuống Pleiku qua Đắk Lắk… Để đẩy nhanh tiến độ, Gia Lai cũng đề nghị kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hệ thống giao thông này.

Qua 90 năm hình thành và phát triển, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội và có nhiều tiềm năng để phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 14 nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra 4 nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch, hướng tới khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên./.