Giá xăng dầu, gas tăng giảm ra sao trong tháng 3/2024?
Giá xăng dầu, gas tăng giảm ra sao trong tháng 3/2024?

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả xăng dầu, gas trong nước và thế giới tháng 1/2024 đến nay?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo dữ liệu của chúng tôi, nếu tính từ đầu tháng 1 đến nay, giá xăng dầu thế giới biến động khá bất ngờ theo cả hai chiều tăng và giảm, có những tuần tăng cao, nhưng cũng có tuần rơi rất sâu. Nhưng xét xu hướng chung, giá có chiều hướng đi lên. Hiện nay giá dầu thế giới cũng cao hơn so với thời điểm cuối năm ngoái.

Tính trung bình 2 tháng đầu năm, giá dầu thế giới nhỉnh hơn khoảng 5% so với tháng 12/2023, ghi nhận hai tuần giảm, có tuần còn giảm mạnh tới hơn 7%, nhưng lại có tới 5 tuần tăng giá. Thậm chí, có thời điểm giá dầu WTI tiến sát mốc 80 USD/thùng, trong khi dầu Brent cũng sát mốc 85 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối tháng 11/2023. Tính đến ngày 19/2, giá dầu WTI đang được giao dịch quanh mức 78 USD/thùng sau hai tuần tăng liên tiếp. Dầu Brent cũng được giao dịch trên 82 USD/thùng.

Diễn biến đồng pha, giá xăng trong nước cũng có chiều hướng đi lên trong hai tháng đầu năm và đúng như tôi đã từng dự báo là giá có xu hướng nhỉnh hơn mức nền tháng 12/2023. Có thời điểm, giá xăng trong nước đã cán mốc cao nhất kể từ đầu tháng 10/2023, khi vượt trên 24.000 đồng/lít đối với xăng RON-95. Tính tới ngày 19/2, với 5 lần điều chỉnh tăng và hai lần điều chỉnh giảm, hiện giá xăng cũng đang ở sát mốc 24.000 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, giá khí thế giới có xu hướng suy yếu rõ rệt sau khi tăng nhẹ trong tháng 1. Giá khí tự nhiên Mỹ hiện còn đang ở mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020, giao dịch quanh mức 1,6 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Giá khí tại châu Âu cũng đang giao dịch ở mức thấp nhất trong hơn 7 tháng qua, ở khoảng 24,8 EUR/MWh.

Tại thị trường trong nước, với độ trễ nhất định so với giá khí thế giới, từ ngày 1/2 vừa qua, giá gas bán lẻ trong nước tăng kể khi giá khí tháng 1 toàn cầu cũng có xu hướng tăng nhẹ, với mỗi bình gas 12kg tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg. Đây là tháng thứ hai liên tiếp trong năm 2024, giá gas được điều chỉnh tăng. Trước đó, giá gas bán lẻ trong nước tháng 1/2024 tăng với mức 6.000 đồng/bình 12kg.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng này tăng trong thời gian gần đây?

Giá xăng dầu, gas tăng giảm ra sao trong tháng 3/2024?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Xét về mặt tổng thể, tôi cho rằng bất ổn địa chính trị gia tăng tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn nguồn cung vẫn là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu thế giới trong giai đoạn vừa qua. Ở khu vực Trung Đông, Hamas và Israel vẫn chưa thể đi đến thống nhất một thoả thuận ngừng bắn. Căng thẳng còn leo thang khi thành phố miền Nam dải Gaza là Rafah đứng trước nguy cơ hứng chịu một chiến dịch đổ bộ lớn từ phía Israel.

Mối đe dọa tại Biển Đỏ thì vẫn còn hiện hữu với các tàu vận chuyển khiến các chuyến hàng mất nhiều thời gian di chuyển hơn. Còn về phía Đông Âu, các cuộc không kích giữa Nga và Ukraine cũng đã gây gián đoạn nhất định tới một số nhà máy lọc dầu. Giá năng lượng vốn dĩ rất nhạy cảm với các rủi ro địa chính trị nên những tác động đồng thời này đã cùng nhau thúc đẩy giá dầu phục hồi.

Về phía khí tự nhiên, đà tăng trong tháng 1 chủ yếu xuất phát từ xu hướng tiêu dùng gia tăng do thời tiết lạnh hơn ở phía Bắc bán cầu. Mùa đông khắc nghiệt đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ khí đốt với vai trò sưởi ấm. Điều này cũng kéo theo giá gas trong nước có xu hướng tăng cùng chiều với giá thế giới. Tuy nhiên, với độ trễ nhất định, giá gas trong nước vẫn chưa có chiều hướng hạ nhiệt mặc dù giá thế giới đang dần mất đà kể từ tháng 2. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sản lượng có xu hướng tăng trở lại và dự báo thời tiết ấm hơn hạn chế nhu cầu sưởi ấm. Sản lượng khí tự nhiên trung bình 30 ngày tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 104,6 tỷ feet khối (bcf) tính đến ngày 18/2, từ mức 102,1 bcf trong tháng 1.

Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị của Bộ Công Thương về hoạt động kinh doanh xăng dầu

PV: Dự báo giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới tháng cuối quý I/2024 sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Trước các biến động phức tạp về tình hình địa chính trị tại nhiều khu vực như tôi đã phân tích ở trên thì giá năng lượng như xăng dầu, khí trên thế giới sẽ còn diễn biến khó lường hơn nữa. Nhất là tại vùng Trung Đông, vốn quy tụ rất nhiều nhà xuất khẩu và con đường xuất khẩu xăng dầu, khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Tác động lớn nhất có lẽ vẫn đến từ việc liệu xung đột có chiều hướng gia tăng hay không. Nếu thoả thuận ngừng bắn vẫn chưa đi đến thống nhất, tình hình căng thẳng tiếp tục kéo dài thì giá dầu thế giới sẽ còn xu hướng tăng cao hơn nữa trong cuối quý I này. Ở kịch bản trung tính, giá dầu thế giới có thể sẽ ở quanh vùng 75 - 85 USD/thùng. Nhưng nếu căng thẳng có tính chất lan rộng, thì thị trường nên cẩn trọng với việc giá leo lên trên vùng 90 USD/thùng.

Ngoài ra, chúng ta sẽ cần tiếp tục đánh giá chính sách sản lượng của của OPEC+. Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng, trong quý đầu năm, thị trường dầu thâm hụt khoảng 800.000 thùng/ngày. Nên nếu OPEC+ duy trì chính sách hạn chế xuất thì có lẽ giá dầu Brent vẫn còn quanh vùng 80 USD/thùng trong quý này.

Giá xăng dầu trong nước cũng sẽ cùng chiều với biến động quốc tế và tôi cho rằng giai đoạn cuối quý I, giá xăng trong nước có thể vẫn có các đợt điều chỉnh tăng giảm xen kẽ, nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ cao hơn mức trung bình cuối năm 2023. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến từ thị trường quốc tế.

Đối với giá khí, áp lực có thể tiếp tục đè nặng khi dự trữ khí đốt của châu Âu vượt xa mục tiêu, đạt tới 97,7% so với mục tiêu 90%, trong khi nhu cầu sưởi ấm chững lại bởi mùa đông khắc nghiệt đang dần qua. Tuy nhiên, địa chính trị vẫn sẽ là một rủi ro có thể gây tăng giá, nên thị trường sẽ tiếp tục cần cảnh giác. Còn đối với giá gas trong nước, với độ trễ nhất định thì tôi cho rằng xu hướng tăng có thể chững lại từ đầu tháng 3 sắp tới theo xu hướng thế giới, giá gas nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ hoặc không đổi so với tháng 2.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ tháng 1/2024, OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện

Ông Nguyễn Đức Dũng cho hay, từ tháng 1/2024 trở đi cũng là thời điểm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bắt đầu thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện. Mới đây, báo cáo từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy sản lượng của OPEC+ trong tháng 1 đã giảm 320.000 thùng/ngày so với tháng 12/2023. Mặc dù vẫn ít hơn so với cam kết gần 500.000 thùng/ngày, nhưng cán cân cung - cầu thắt chặt hơn cũng là một động lực góp phần hỗ trợ giá dầu đáng kể từ đầu năm đến nay.