PV: Thưa ông, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã dành những ưu tiên nhất định về cơ chế, chính sách giúp các tỉnh trong vùng động lực phía Bắc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật?
TS. Nguyễn Như Quỳnh |
TS. Nguyễn Như Quỳnh: Kết quả dễ thấy nhất chính là huy động nguồn lực từ NSNN trên cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính - NSNN đặc thù một số tỉnh vùng động lực phía Bắc thông qua phân cấp, phân bổ ngân sách, chính sách về thu, chi NSNN. Nhờ đó, số thu NSNN của các tỉnh vùng động lực phía Bắc đều tăng trưởng qua các năm trong giai đoạn 2017 - 2021, với mức trung bình khoảng 10,8%/năm so với cùng kỳ năm trước.
Hải Phòng là địa phương có mức tăng trung bình cả giai đoạn cao nhất là 13,3%/năm, tiếp đó là Hà Nội là 12%/năm và Quảng Ninh là 5,1%/năm. Tốc độ tăng thu NSNN của Hà Nội giảm dần qua các năm, trong khi tốc độ này tăng dần ở Quảng Ninh.
Tỷ trọng số thu NSNN của vùng động lực phía Bắc so với tổng số thu của cả nước giai đoạn 2017 - 2021 có mức tăng đều, từ 15,7% năm 2017 lên 19,6% năm 2021. Nguồn thu NSNN tăng đã tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng KT-XH, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh nguồn lực từ NSNN, các nguồn lực bên ngoài cũng đã tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ. Vai trò của nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng lao động.
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương |
PV: Nhìn chung các tỉnh, thành phố vùng động lực phía Bắc trong giai đoạn 2017 - 2022 luôn phát huy những lợi thế về chính trị, xã hội, kinh tế... Tuy nhiên, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển KT-XH vùng còn một số khó khăn, thách thức. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về điểm này?
TS. Nguyễn Như Quỳnh: Khó khăn trước tiên là nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế vùng động lực còn hạn chế, chủ yếu là nguồn lực công, trong khi cân đối NSNN và dư địa để mở rộng quy mô động viên NSNN đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Quy mô động viên từ NSNN có xu hướng biến động mạnh do vẫn phụ thuộc vào một số nguồn thu như đất đai, dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên - những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường quốc tế. Cùng với đó, quá trình già hóa dân số nhanh dự báo cũng sẽ làm phát sinh thêm nhiều chi phí tài khóa trong trung và dài hạn, quy mô các khoản chi tiêu công cho người già của Việt Nam như cho hưu trí và chăm sóc y tế sẽ tăng.
Ngoài ra, hiệu quả phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn chậm được cải thiện, thiếu tính gắn kết với các định hướng ưu tiên về phát triển bền vững. Tốc độ tăng chi NSNN của vùng động lực phía Bắc có xu hướng giảm dần, trong khi cơ chế, chính sách đặc thù một số địa phương trong vùng còn chưa phát huy hết hiệu quả, nhất là cơ chế về vay nợ.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực tư nhân trong thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH còn hạn chế.
Phát triển cơ sở hạ tầng có vai trò rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, nhưng lại thường là các dự án đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao, do vậy cơ chế huy động sự tham gia của khu vực tư nhân cần phải có những đặc thù riêng, phải giải quyết được hài hòa lợi ích của các bên tham gia. Song các quy định thực hiện các cơ chế để thu hút đầu tư của tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau, dẫn đến việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho việc đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn thấp.
PV: Dưới góc độ nghiên cứu, xin ông cho biết những giải pháp nào nên được áp dụng để giúp vùng động lực phía Bắc huy động nguồn lực phát triển tốt hơn, thưa ông?
TS. Nguyễn Như Quỳnh: Có rất nhiều nhóm giải pháp cần phải triển khai. Trước tiên là huy động nguồn lực tài chính. Tôi cho rằng vẫn cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng. Qua đó, giải quyết những nút thắt, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển KT-XH của cả nước nói chung và vùng động lực phía Bắc nói riêng. Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỷ trọng thu nội địa, khai thác tốt thuế thu từ tài nguyên đi cùng với công tác bảo vệ môi trường.
Top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước Hiện nay, cả 3 địa phương trong vùng động lực phía Bắc đều nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. Thậm chí Quảng Ninh xếp thứ 3 khi năm 2022 cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư thu hút là 51.777 tỷ đồng. |
Về chính sách thuế nói chung, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, phí theo hướng thu hẹp lĩnh vực ưu đãi, nhưng tập trung và có mức ưu đãi cho doanh nghiệp, dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn. Đối với vùng, tiếp tục rà soát lại hiệu quả các ưu đãi về thuế, phí, tín dụng để khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời thu hút các dự án đầu tư ở các lĩnh vực là thế mạnh như công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ... Nghiên cứu các nguồn thu tiềm năng như thuế bất động sản, các khoản thu liên quan đến tài nguyên và tài sản nhà công, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như đặc điểm của Việt Nam.
Các địa phương có cơ chế đặc thù cần hoàn thiện cơ chế về phí, lệ phí trên cơ sở tình hình nhu cầu thực tế, đảm bảo an ninh an toàn tài chính.
Về thu hút từ nguồn lực bên ngoài, cần nâng cao chất lượng đầu tư FDI, gắn việc thu hút nguồn vốn FDI với việc thực hiện các mục tiêu, định hướng về phát triển bền vững.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội hóa lĩnh vực (giáo dục, đào tạo, y tế...) ở các địa bàn có lợi thế, dành phần kinh phí NSNN hỗ trợ cho các vùng nghèo, khó khăn. NSNN tiếp tục đảm bảo đối với các đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp; khuyến khích việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển sự nghiệp công.
PV: Xin cảm ơn ông!
"Do chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng, trong khi ngân sách nhà nước quy định “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác (trừ một số trường hợp cụ thể)” nên cũng làm hạn chế nguồn lực huy động để phát triển vùng" - TS. Nguyễn Như Quỳnh |