Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu.

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội thì có nên giảm tuổi hưu?
Ảnh minh họa

Góp ý xung quanh vấn đề này, một số người lao động cho rằng, nếu giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu thì cũng phải giảm tuổi hưu. Luật nên quy định số năm đóng bảo hiểm thì cho mức hưởng hưu tương ứng, không nên quy định tuổi hưu, thì sẽ hạn chế lượng người rút bảo hiểm một lần.

Cách đơn giản và phù hợp với mọi đối tượng là nếu ai đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội và đã đủ từ 50 tuổi trở lên được quyền chọn nghỉ hưu hoặc tiếp tục làm việc. Nếu chọn nghỉ hưu thì cứ quy theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội để nhận phần trăm lương hưu, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.

Trả lời TBTCVN, ông Robert Palacios - Chuyên gia kinh tế trưởng Ban An sinh xã hội (Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương) cho rằng, thiết kế như vậy sẽ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng và làm cho chương trình trở nên méo mó.

Ông đưa ra ví dụ, giả sử đưa ra một chương trình cho phép người dân được hưởng lương nghỉ hưu với 25 năm đóng góp hoặc khi đến tuổi nghỉ hưu. Như vậy, một người nam giới bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội năm 25 tuổi có thể nghỉ hưu sớm nhất là ở độ tuổi 50 trong trường hợp này.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tuổi thọ bình quân của nam giới hiện là 77,4 năm đồng nghĩa với việc khi nghỉ hưu lúc 50 tuổi, người này sẽ nhận lương hưu trong 27,4 năm.

Như vậy, Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ trả lương hưu cho người này này lâu hơn tổng số khoảng thời gian người đó đã đóng góp và lâu hơn nhiều so với một người bắt đầu đóng ở tuổi 30 và có cùng mức đóng góp, số năm đóng góp.

Theo ông Robert Palacios, điều này có thể rất tốn kém cho chương trình trừ khi các yếu tố nghỉ hưu sớm công bằng được đưa vào công thức tính lương hưu và điều chỉnh thường xuyên. Hầu hết các quốc gia OECD đã đưa ra quy định giảm mức lương hưu tương đối khi nghỉ hưu sớm song mức giảm cần phải được điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tính bền vững của quỹ và công bằng với những người nghỉ hưu muộn.

Cũng theo vị chuyên gia của WB, quyết định của Chính phủ về việc tăng tuổi hưu đối với phụ nữ và nam giới lên 60 và 62 tuổi là một biện pháp quan trọng giúp đạt được sự bền vững tài chính của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Việc cho phép nhận bảo hiểm xã hội một lần hiện tại tiếp tục đe dọa tương lai của người lao động có thể không được nhận lương hưu khi về già.

Để việc giải quyết vấn đề này, cần áp dụng thêm các giải pháp khác, bao gồm trợ cấp thai sản đang được đề xuất trong dự thảo và các giải pháp hỗ trợ tìm việc làm.

Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.