Giải ngân “cầm chừng” 4 tháng đầu năm

Trong tuần này, các tổ công tác thúc đẩy giải ngân do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đã bắt đầu làm việc với các địa phương. Tại Bộ Tài chính, Tổ công tác số 6 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước theo hình thức trực tuyến.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 cho 5 tỉnh với tổng số vốn là hơn 26,6 nghìn tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là hơn 5,7 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là hơn 20,9 nghìn tỷ đồng.

Địa phương đã phân bổ chi tiết tổng số là hơn 28 nghìn tỷ đồng, bằng 108% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn NSTW giao đạt 100% kế hoạch; vốn NSĐP, có 3 tỉnh giao vượt đó là Vĩnh Phúc, Phú Yên và Bình Phước; 2 tỉnh giao thấp hơn kế hoạch là Bình Thuận và Khánh Hòa.

Về tình hình giải ngân, trong 5 địa phương, Khánh Hòa thấp nhất, mới đạt 14,5%, Bình Thuận cao nhất đạt 28,5%.

Những vướng mắc chung được nêu ra, đó là: Trong quý I/2022 do dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp, nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công, dự án phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Một nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất, cũng là vướng mắc ảnh hưởng lớn nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng; vướng mắc về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù… Các dự án mới khởi công đang triển khai thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu xây lắp chưa giải ngân được vốn…

Theo ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Địa phương và Lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng qua, giá nguyên liệu là sắt thép, xi măng, cát sỏi rất cao, ảnh hưởng tới tiến độ, nên thi công cầm chừng, giá cả nguyên vật liệu cao ảnh hưởng tới giải ngân.

Giá nguyên vật liệu tăng cao cũng nhận được nhiều ý kiến “hiến kế” tại cuộc họp. Theo đại diện đến từ Bộ Giao thông vận tải, kinh nghiệm của bộ này là đều thực hiện theo hình thức điều chỉnh giá, nên các địa phương cần có thông báo kịp thời, điều chỉnh cho các dự án để nhà thầu thi công. Với hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá, thì cần có giải pháp để điều chỉnh phù hợp. Về bố trí vốn cho các dự án, do tăng giá nguyên vật liệu nên các dự án vốn bố trí không đủ, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh. Do đó, các địa phương cần rà soát toàn bộ dự án, có thể giảm quy mô, có thể dừng một số dự án, tập trung cho dự án cần thiết trước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Theo Bộ trưởng, UBND các tỉnh cần yêu cầu liên sở xây dựng - tài chính công bố giá kịp thời, sát thực tế giá nguyên vật liệu; đôn đốc thi công nhanh, nghiệm thu nhanh, bố trí vốn đủ để thanh toán dự án hoàn thành.

Phải coi đẩy nhanh giải ngân là động lực tăng trưởng

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, 4 tháng qua, tỷ lệ giải ngân tại 5 địa phương là quá thấp so với yêu cầu.

Theo Bộ trưởng, số giải ngân tại 5 địa phương mới chỉ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, chưa tính đến các nguồn khác, như: nguồn vượt thu, gói kích cầu và chương trình mục tiêu quốc gia, bởi, nếu cộng lại thì số tuyệt đối càng thấp. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh hết sức lưu ý đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực để tăng trưởng, từ đó góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách.

“Nhất là trong bối cảnh chúng ta trải qua dịch bệnh nặng nề, đang phục hồi thì giải pháp về tăng cường đầu tư công là giải pháp trọng tâm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt”, như: Thủ tục rườm rà; tâm lý sợ trách nhiệm; sự xung đột về giá trong thực hiện giải phóng mặt bằng; năng lực thi công của nhà thầu… Do đó, các địa phương phải sát sao, quyết liệt, đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Bộ trưởng lưu ý các địa phương phải thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 63/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022; Công điện số 126/CĐ-TTg và Công điện số 307/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Với tốc độ như hiện nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải động viên doanh nghiệp thi công nhanh. Các công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, nên thực hiện theo đơn giá điều chỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà nước trong thanh quyết toán. Dự báo tới đây sẽ còn nhiều khó khăn, do đó, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, gỡ khó cho doanh nghiệp để công trình đẩy nhanh tiến độ, đưa nhanh vào sử dụng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng, chống lạm phát.

“Một số các quy định phải thực hiện theo luật pháp, nhưng trong quá trình triển khai phải sáng tạo. Theo kinh nghiệm, công tác chuẩn bị khá lâu, nên phải đi trước một bước, khi được bố trí vốn, tách dự án giải phóng mặt bằng, giai đoạn bồi thường thành dự án độc lập” - người đứng đầu Bộ Tài chính nói.

Chậm giải phóng mặt bằng là do tổ chức thực hiện

Tại cuộc họp của Tổ công tác số 6 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhiều giải pháp khá cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc được nêu ra.

Theo đó nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đánh giá kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; cần thành lập các tổ công tác do phó chủ tịch tỉnh là tổ trưởng, đốc thúc giải ngân vốn cho các sở, ngành; xử lý dứt điểm vướng mắc giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt. Các dự án 6 tháng chưa giải ngân thì kiên quyết cắt giảm; tăng cường giám sát và công tác chỉ đạo để đẩy nhanh giải ngân vốn năm 2022.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chậm giải phóng mặt bằng không phải do chế độ, mà do tổ chức thực hiện. Khi thực hiện, các địa phương phải theo hình thức cuốn chiếu. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh chỉ đạo.

Về kéo dài vốn ngân sách từ 2021 sang 2022, theo đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho phép, trong tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông báo các địa phương danh mục và mức vốn kéo dài.

Đối với thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương còn chưa linh hoạt, trên thực tế, HĐND tỉnh thường tổ chức 2 - 3 kỳ họp/năm, việc báo cáo HĐND tỉnh quyết định phải cần nhiều thời gian để thực hiện theo quy trình, bị động cho các cấp huyện và xã.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện một số bộ, ngành, cần phải thực hiện theo quy định, niên độ cho phép giải ngân hết tháng 1 năm sau. Các quận, huyện không giải ngân được, thì HĐND có thể điều tiết điều chỉnh dự án giải ngân thấp sang cao, tuy nhiên, nếu thế sẽ ngày càng giải ngân chậm. Có ý kiến cho rằng, HĐND tỉnh cần có những phiên họp bất thường, để có quyết sách điều chỉnh phù hợp trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Về tách dự án đền bù giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng biệt, luật đã cho phép đối với 2 loại dự án quan trọng và dự án quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho các dự án nhóm B và nhóm C được thực hiện như các dự án trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu để sẽ trình Quốc hội…

Được biết, lãnh đạo một số địa phương đã cam kết đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu đạt từ 95% giải ngân kế hoạch vốn trở lên.