lao

Việc hỗ trợ trực tiếp một khoản tiền như trong quyết định của Chính phủ là rất cần thiết cho người lao động.

* PV: Thưa ông, Chính phủ vừa thông qua gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội. Ông nhận định như thế nào về gói hỗ trợ này?

- Ông Vũ Minh Tiến: Đây là gói hỗ trợ rất cần thiết trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp (DN) lao đao vì dịch bệnh, hàng nghìn người lao động bị mất việc làm, bị giãn việc, không có thu nhập hoặc giảm thu nhập.

Gói hỗ trợ này sẽ giúp các DN duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, giúp người lao động có số tiền tối thiểu để duy trì cuộc sống. Mặt khác, cũng có thể xem đây là kênh kích cầu trong bối cảnh người dân đang hạn chế tiêu dùng do tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh gây ra. Gói hỗ trợ cũng được tính toán, cân đối giữa các nhóm đối tượng như người có công, lao động tự do, mất việc làm, thất nghiệp, lao động bị giãn việc.

Theo tôi, đối với nhóm mất việc làm, việc hỗ trợ trực tiếp một khoản tiền như trong quyết định của Chính phủ là rất cần thiết. Bởi nếu không hỗ trợ trực tiếp cho họ ngay lúc này thì họ sẽ khó duy trì được cuộc sống. Vì chờ để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng phải mất vài tuần. Đây là những trường hợp đặc thù nên phải có biện pháp giải quyết ngay bằng cơ chế đặc thù. Cần có những nguồn hỗ trợ về tài chính kịp thời ngay lúc này. Tuy nhiên, việc lập danh sách hỗ trợ như thế nào để hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng cũng là một việc cần tính đến.

tien
Ông Vũ Minh Tiến

Đối với người lao động có hợp đồng lao động, việc kê khai danh sách tương đối dễ bởi cơ quan Nhà nước, bảo hiểm xã hội đều nắm được con số. Nhưng hiện nay, có những doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh không ký hợp lao động bằng văn bản với người lao động và số người này bị mất việc và cả những lao động tự do, hiện họ đã về địa phương. Như vậy, phải có cách điều tra, thống kê để hỗ trợ cho họ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay.

* PV: Thưa ông, về phía công đoàn đã có những hỗ trợ gì cho những lao động bị mất việc, giãn việc, thưa ông?

- Ông Vũ Minh Tiến: Đối với những lao động có con nhỏ, công đoàn đã đối thoại với chủ DN để cho những đối tượng này làm nửa ngày, ở một số tổ đội được nghỉ hưởng một phần lương hoặc hưởng mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng đối thoại với chủ DN để giảm việc chấm dứt hợp đồng với người lao động, thay vào đó là san việc, giảm giờ làm thêm, không tăng ca hoặc thậm chí là giảm giờ làm tiêu chuẩn để giữ chân người lao động.

Ngoài ra, công đoàn ở nhiều nơi đã đề xuất doanh nghiệp mở lớp dạy nghề, tập huấn về an toàn lao động, qua đó, giúp DN có nguồn lao động đảm bảo hoạt động khi hết dịch.

Đối với những trường hợp người lao động mất việc, công đoàn đã hướng dẫn thủ tục để giải quyết chế độ và hỗ trợ cung cấp thông tin việc làm nhanh nhất có thể.

Công đoàn cũng đàm phán với nhiều DN về việc hỗ trợ cho người lao động ngoài chế độ thông thường, sẽ hỗ trợ nửa tháng lương tới một tháng lương hoặc một số tiền nhất định trong thời gian người mất việc tìm được việc làm hoặc để về quê.

Cùng với đó, công đoàn cũng đã xuống trực tiếp nhiều khu nhà trọ của công nhân để động viên tinh thần, khuyến khích công nhân an tâm đi làm và phòng dịch thật tốt. Ngoài ra, công đoàn đã vận động các chủ nhà trọ giảm tiền nhà trọ, cho người lao động trả nợ sau.

* PV: Có ý kiến cho rằng đây cũng là thời kỳ để chúng ta tái cơ cấu lại nguồn lực lao động. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

- Ông Vũ Minh Tiến: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Ở góc độ lao động, đây là cơ hội để tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để hướng tới một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.

Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp có quy định việc đào tạo nghề cho lao động và trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp có nguồn lực đã chọn cách hỗ trợ, tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đây cũng là một biện pháp để doanh nghiệp giữ chân lao động, chờ tới thời điểm kết thúc dịch là đẩy mạnh sản xuất để bù lại tăng trưởng. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thiếu thốn nguồn lực nên Chính phủ có thể hỗ trợ người lao động đi đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển nghề khác phù hợp hơn.

Về lâu dài, Chính phủ phải có chiến lược cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.

* PV: Thưa ông, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động mới, trong đó có quy định, một doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) bên cạnh Công đoàn Việt Nam. Ông có thể nói cụ thể hơn về quy định này?

- Ông Vũ Minh Tiến: Sự thay đổi lớn trong Bộ Luật Lao động là trong quan hệ lao động tại cơ sở có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động, bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam. Như vậy, đại diện của NLĐ trong quan hệ lao động tại cơ sở có tổ chức Công đoàn Việt Nam và các tổ chức của NLĐ khác.

Công đoàn Việt Nam tôn trọng quyền thành lập và hoạt động của các tổ chức đại diện của NLĐ. Các tổ chức sẽ bình đẳng trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ theo quy định pháp luật.

Về mức phí tham gia các tổ chức, mỗi tổ chức đại diện cho NLĐ sẽ có mức phí riêng, phụ thuộc vào điều lệ của từng tổ chức, ví dụ mức đóng đoàn phí của đoàn viên công đoàn trong các doanh nghiệp hiện nay bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tối đa bằng 10% mức lương cơ sở. Nhưng ở tổ chức mới có thể tự đặt ra một mức khác. Công đoàn Việt Nam chỉ thu đoàn phí đối với đoàn viên của mình.

Ngoài ra, để tránh lợi dụng việc thành lập tổ chức đại diện cho NLĐ để hoạt động phi pháp, pháp luật Việt Nam đã có quy định và xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng các quyền thành lập tổ chức đại diện NLĐ mà hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích và điều lệ của tổ chức, vi phạm quy định pháp luật về tổ chức đại diện NLĐ trong quan hệ lao động.

Công đoàn Việt Nam là cơ quan thực hiện rất nhiều chức năng, nhiệm vụ chính trị, xã hội, nhưng nhiệm vụ trọng tâm nhất vẫn là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Công đoàn Việt Nam phải xây dựng được tổng thể nguồn lực đủ mạnh, bền vững và sử dụng nguồn lực hiệu quả, làm tốt nhất nhiệm vụ so với các tổ chức khác, giữ vững được sự tín nhiệm và ủng hộ của mọi người lao động.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Tư (thực hiện)