Hà Nội huy động vốn xây dựng nông thôn mới
Quang cảnh cuộc họp.

Huy động hơn 19.410,7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới trong 6 tháng

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý II/2024; kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến nay, thành phố có thêm 75 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và 48 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đến nay là 186 xã và 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 544 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Đến nay, thành phố đã có 100% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. 04 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương trong tháng 6/2024. Phấn đấu trong tháng 7/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM nâng cao. Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt mục tiêu Chương trình 04 đến năm 2025) và 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Trong tháng 6/2024, thành phố đã thẩm định thêm 2 xã đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao và 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM 6 tháng đầu năm 2024 là 19.410,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là 7.045,8 tỷ đồng, chiếm 36,3%; ngân sách huyện: 11.613,4 tỷ đồng, chiếm 59,8%; ngân sách xã là 360,6 tỷ đồng, chiếm 1,9%; vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 390,9 tỷ đồng, chiếm 2%.

Từ năm 2021 đến nay, có 10 quận thuộc thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 867 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024: quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ huyện Phú Xuyên 30,7 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng hỗ trợ huyện Phú Xuyên 5,5 tỷ đồng.

Hà Nội huy động vốn xây dựng nông thôn mới
Hà Nội dành nguồn lực hỗ trợ cho các huyện xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới

Theo TP. Hà Nội, thành phố đang phấn đấu trong tháng 7/2024, có 04 huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; phấn đấu cuối năm 2024 có thêm 03 huyện (Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; thành phố có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Thảo luận tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, huyện đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ để điều tra thu nhập và hoàn thành mô hình thôn thông minh tại 03 xã NTM kiểu mẫu trong kế hoạch thực hiện năm 2024 (Văn Đức, Đa Tốn, Yên Thường). Ông Nguyễn Việt Hà đề nghị Văn phòng NTM thành phố sớm hoàn thiện các nội dung hồ sơ xét công nhận huyện Gia Lâm đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; Văn phòng NTM thành phố hướng dẫn huyện để hoàn thành 03 xã NTM kiểu mẫu trong kế hoạch thực hiện năm 2024…

Để đạt mục tiêu trên, ông Nguyễn Việt Hà đề nghị tập trung xóa các hộ nghèo trên tinh thần hỗ trợ vốn vay và phải đánh giá rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Đối với công tác đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, đề nghị tập trung chỉ đạo đào tạo nghề khu vực nông thôn.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cũng đề xuất nếu những hộ nghèo không thể có năng lực thoát nghèo sẽ chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, có phương án tập trung nguồn lực cho một số huyện còn khó khăn; hỗ trợ có mục tiêu và có chủ đề theo danh mục cụ thể.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao sự hỗ trợ của các quận đối với các huyện trong xây dựng NTM, và đề nghị các quận tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ cho các huyện. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chương trình xây dựng NTM, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của chương trình, phấn đấu hết năm 2024, đạt 95%.

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025 có ba mục tiêu chính: Xây dựng nông thôn mới thiết thực hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.