Người dân mua sắm tại Siêu thị WinMart Yên Bái.
6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3 triệu tỷ đồng. Ảnh tư liệu

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 522 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 5 và đặc biệt tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu từ doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng, hàng lương thực, thực phẩm tăng 10%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12%, may mặc tăng 9,6% phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng trên 2%… Về địa phương, một số địa phương ghi nhận mức độ tiêu dùng của người dân gia tăng trong 6 tháng, như Quảng Ninh tăng 9,5%, Hải Phòng tăng 9%, Đà Nẵng tăng 7,8%, Cần Thơ tăng 7,6%, Hà Nội tăng 6,6%, TP. Hồ Chí Minh tăng 6,3%.

Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 6 tháng đạt 356 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Quảng Ninh tăng 25%, Đà Nẵng tăng 22%, Hải Phòng tăng 15%, Hà Nội tăng 11%, Cần Thơ tăng 11%, TP. Hồ Chí Minh tăng 8%.

Doanh thu du lịch lữ hành của 6 tháng đầu năm đạt trên 29 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho biết kết quả này có được là nhờ các địa phương tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế ngay từ đầu năm. Các địa phương có mức tăng trưởng cao là TP. Hồ Chí Minh tăng 42%, Đà Nẵng tăng 39%, Cần Thơ tăng 34%, Hà Nội tăng 29%, Quảng Ninh tăng 21%, Bình Dương tăng 18,5%, Hải Phòng tăng 10,5%.

Ngoài ra, doanh thu dịch vụ khác trong nửa năm ước đạt 315 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước./.