Vào từng nhà, gặp từng người vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chia sẻ về những kinh nghiệm, những cách làm hay trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, ông Lê Xuân Phú - Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) cho biết, xã đã hỗ trợ thêm bằng tiền cho mỗi người dân khi tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, xã đã phân công, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình cụ thể tới từng thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, đưa kết quả vào chỉ tiêu đánh giá cuối năm của xã; đồng thời, cử cán bộ kết hợp với các hội, đoàn thể, các thôn… tuyên truyền cho các tiểu thương ở chợ, người bán hàng tạp hóa, đến các hộ kinh doanh cá thể, các gia đình có nghề phụ có từ 5-10 lao động tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật về sử dụng lao động, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Hà Nội: Nhiều cách làm hay phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện
Cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố tuyên truyền vận động người dân tham gia
bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Bà Phan Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, phường đã tổ chức nhóm nòng cốt tại các tổ dân phố (là những người năng động, nhiệt huyết được tập huấn kiến thức cơ bản về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình) thực hiện tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đến người dân theo địa bàn được phân công phụ trách, ưu tiên tập trung cao vào những hộ dân có tiềm năng. Định kỳ thứ 7 hàng tuần, phường chỉ đạo đoàn thanh niên tổ chức đi tuyên truyền lưu động bằng loa về chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình đến toàn thể nhân dân trên địa bàn. Trên địa bàn phường có nhiều hộ kinh doanh, nhiều hộ dân trồng hoa, trồng rau sử dụng lao động mùa vụ, do đó, phường đã làm việc với các hộ dân để tuyên truyền, vận động từng người lao động hiểu rõ tính nhân văn và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Bà Nguyễn Thị Luyến - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) cho biết, thị trấn Xuân Mai đã sử dụng xe máy có gắn loa (đã dùng trong công tác truyền thông về bầu cử và phòng chống Covid-19) để đi từng ngõ ngách, thôn, xóm tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, kết hợp phát tờ rơi. Hội đã lập các nhóm trên facebook, zalo, viết bài, chụp ảnh những chị em là lao động tự do đang lao động, làm việc để đưa lên mạng xã hội, kết hợp với tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, nhờ đó đã thu hút sự quan tâm của người dân. Với cách làm này, hội đã vận động được 75/140 người là lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, dù không gặp trực tiếp để tuyên truyền, việc thu nộp phí BHXH tự nguyện đều thực hiện qua internet.

Hà Nội mới có gần 40% số người trong độ tuổi lao động có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội

Hiện toàn TP. Hà Nội mới có gần 40% số người trong độ tuổi lao động có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội (hơn 38% tham gia theo diện bắt buộc; 1,3% tham gia theo diện tự nguyện). Như vậy, Hà Nội còn khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng với gần 3 triệu người, chưa tham gia chính sách này.

Tại huyện Sóc Sơn, Đại lý thu Trung tâm y tế Sóc Sơn đã giao nhiệm vụ thực hiện nội dung phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho các chuyên trách dân số tại 26 xã, thị trấn với sự hướng dẫn chuyên môn của cơ quan bảo hiểm huyện Sóc Sơn. Các cán bộ chuyên trách dân số tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, rà soát các đối tượng phù hợp với phương châm “đi từng ngõ, vào từng nhà, gặp từng người”.

Tượng tự, Đại lý thu phường Ngọc Lâm – quận Long Biên đã chủ động tiếp cận những lao động tạm hoãn hợp đồng và tuyên truyền vận động phát triển được 100 người tham gia BHXH tự nguyện.

Nỗ lực vượt khó

Số liệu của BHXH TP. Hà Nội cho thấy, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Hà Nội tăng đều hàng năm. Năm 2021, Hà Nội có thêm 14.630 người tham gia mới, tương ứng với mức tăng 30,06%. Dù đạt kết quả đáng ghi nhận, song số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn thấp so với tiềm năng. Trong khi đó, theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lần lượt lên 10% và 65%. Mục tiêu này không dễ thực hiện do quá trình triển khai chính sách BHXH tự nguyện gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, từ năm 2022 trở đi, các chỉ tiêu về BHXH tự nguyện của Hà Nội sẽ tăng cao, trong khi đó mức hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng có khả năng giảm dần. Dự kiến năm 2022 sẽ có khoảng hơn 100.000 người tham gia BHXH tự nguyện. “Hiện nay đã có 63.000 người tham gia. Vì vậy, cơ quan BHXH cần tiếp tục duy trì và phát triển mới 37.000 người nữa. Đây là bài toán khó, nhưng nếu mỗi một xã, phường phấn đấu từ giờ đến cuối năm đạt 200 người tham gia thì sẽ vượt chỉ tiêu”- ông Hòa khẳng định.

Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, ông Nguyễn Đức Hòa cũng yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp xã, đặc biệt là các xã điểm để đánh giá, xác định những hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục. Đồng thời, mở rộng mô hình xã điểm với những cách làm hay, sáng tạo, trong đó có thể một quận, huyện tăng thêm số lượng xã điểm lên 2 hoặc 3. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tăng cường ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền chính sách; tăng cường vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT, tham gia BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn.

Phối hợp ký kết hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Chương trình nhằm mục đích triển khai quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; kết nối tốt cung cầu và phát triển thị trường lao động bền vững, cung ứng kịp thời lao động có chất lượng cho thị trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, chương trình phối hợp, ký kết là cơ sở vững chắc để hoạt động phối hợp giữa các bên luôn ở trạng thái tốt nhất và hiệu quả nhất, góp phần quan trọng trong việc giữ vững nguồn cung ứng lao động, giúp phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, đời sống nhân dân, phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, hiện ngành BHXH Việt Nam đã chuẩn bị, sẵn sàng tập trung nhân lực, nguồn lực để thực hiện các chế độ, chính sách theo Chương trình phối hợp, tiếp tục hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.