Hàng hóa sản xuất trên đất chặt phá rừng sẽ không được phép vào châu Âu
Đại diện của Phái đoàn EU cho biết, hàng hóa sản xuất trên đất chặt phá rừng sẽ không được phép vào châu Âu. Ảnh: UNDP

Tại hội thảo, ông Jesus Lavina - Phó Ban Hợp tác phát triển (Phái đoàn EU tại Việt Nam), đã cung cấp thông tin tổng quan về quy định mới của EU về các sản phẩm không phá rừng.

Theo đó, không có bất cứ hàng hóa và sản phẩm nào trong phạm vi của quy định này được phép đưa vào thị trường châu Âu nếu chúng được sản xuất trên đất bị chặt phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Dự kiến tháng 6 này quy định sẽ có hiệu lực và tháng 12/2024 bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với nhà vận hành (từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ).

Các hàng hóa dự kiến sẽ chịu tác động bởi quy định này gồm: dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó (ví dụ: sôcôla, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in).

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ chịu không ít tác động bởi đạo luật này, trong đó cà phê là mặt hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất của ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu.

Vì vậy, thông qua việc chia sẻ các quy định của EU cũng như kinh nghiệm của các doanh nghiệp, bạn bè quốc tế về phát triển các ngành hàng không gây mất rừng, đây là dịp để Việt Nam trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng các quy định của EU trong thời gian tới.

Thông tin tại hội thảo, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng với UBND tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đang triển khai dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông" (gọi tắt là dự án iLandscape), do Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án iLandscape tiếp nối những nỗ lực góp phần cải thiện môi trường và xã hội bền vững, sự bền vững của các chuỗi sản xuất thức ăn và chuỗi cung cấp tại Tây Nguyên.

Mục đích của dự án là: tăng cường sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quy hoạch và giám sát sử dụng đất; xác định và phát triển các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy liên kết đa bên giữa chính phủ, nông dân, và các công ty đa quốc gia để tận dụng vai trò và phương tiện của họ; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, mô hình hàng hóa bền vững và không phá rừng, đáp ứng các quy định toàn cầu mới.

“Với các quy định và bối cảnh quốc tế gần đây về sản xuất và thương mại bền vững và chuỗi cung ứng không gây mất rừng, UNDP sẵn sàng làm việc với các đối tác chính phủ và khối tư nhân để tạo một môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp không gây mất rừng và hỗ trợ các mô hình thương mại và sản xuất không gây mất rừng” - ông Patrick Haverman khẳng định.

UNDP đã hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý rừng và cảnh quan bền vững thông qua nhiều dự án và chương trình. Tổ chức này cũng triển khai các dự án nhằm nâng cao sự tham gia của khối tư nhân vào các cam kết quốc gia tự quyết định với việc thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững trong ngành tôm và thanh long, cũng như thúc đẩy truy xuất sản phẩm. UNDP với sự hỗ trợ từ chính phủ Anh đang hỗ trợ Việt Nam phát triển chiến lược truy cập thị trường các bon để xác định giảm lượng phát thải có sẵn.