Thủ tướng yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh "Mạnh tay" với doanh nghiệp vi phạm trong kinh doanh xăng dầu Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công thương rà soát chi phí định mức kinh doanh xăng dầu

Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Để tiếp tục triển khai cho năm 2022, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) đã có công văn đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định, trên cơ sở đó, Bộ sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay mức chi phí kinh doanh định mức đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít. Đối với các mặt hàng dầu diesel 0,05s, dầu hỏa, dầu madut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít (theo Công văn số 5837 ngày 3/6/2021 của Bộ Tài chính).

Hàng năm rà soát chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu
Hàng năm rà soát chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Ảnh: TL.

Việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được Bộ Tài chính rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo: chậm nhất 31/3 hàng năm).

Hiện nay, với xu hướng giá thế giới tăng cao, thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, để tiếp tục triển khai cho năm 2022 theo quy định, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) đã có công văn số 95/QLG-TLSX ngày 18/2/2022 đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định (gửi về trước 31/3/2022); trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Cơ quan quản lý phải rà soát, cân nhắc

Hiện nay, các doanh nghiệp hiện đang đề nghị được tăng mức chi phí này. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, vấn đề này Bộ Tài chính cần xem xét và khảo sát thực tế, bởi doanh nghiệp phản ánh chỉ là một phía. Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính cần xem xét các chi phí đã hợp lý chưa, có cần điều chỉnh theo phản ánh của các doanh nghiệp hay không.

Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thực chất trong bối cảnh hiện nay các chi phí của doanh nghiệp đã đội lên, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên và để thị trường kinh doanh xăng dầu ổn định hơn.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, trong thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay không có bất cập lớn cần phải tháo gỡ. Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã quy định rất rõ, chỉ cần thực hiện đúng theo nghị định là thị trường sẽ không có gì bất ổn. Vấn đề cốt lõi hiện nay theo ông là phải đảm bảo nguồn cung.

“Vừa qua xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp găm hàng, ngừng bán là bởi chu kỳ điều hành giá vẫn dài dẫn đến giá trong nước và giá thế giới chênh lệch cao. Nếu chúng ta điều chỉnh thời gian điều hành giá nhanh hơn nữa thì chắc chắn thị trường xăng dầu sẽ vận hành ổn định. Bộ Công thương khẳng định nguồn cung trong nước đã đảm bảo thì chúng ta không có gì đáng lo nữa”- ông Ngô Trí Long nói.

Tiết giảm chi phí trong kinh doanh xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và ở mức cao, để kiềm chế tác động của giá xăng dầu tăng, nhà nước đã áp dụng triệt để các biện pháp bình ổn giá, trong đó có giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế BVMT từ ngày 11/7/2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Hàng năm rà soát chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu
Đảm bảo nguồn cung là yếu tố quan trọng để ổn định thị trường xăng dầu. Ảnh: TL.

Trong bối cảnh đó, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được rà soát, đánh giá kỹ để xem xét điều chỉnh thận trọng, tránh ảnh hướng đến giá xăng dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu.

Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thời gian vừa qua cho thấy, từ tháng 7/2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm; đồng thời, dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Trong ngày 7/10/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 10281/BTC-QLG gửi Bộ Công thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu; đồng thời đề nghị Bộ Công thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng chi phí định mức này không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành.

Theo một số chuyên gia kinh tế, điều quan trọng nhất hiện nay đó là đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Do đó, Bộ Công thương cần điều hành để các doanh nghiệp đầu mối xăng, dầu đảm bảo được nguồn cung trong mọi tình huống. Ngoài ra, cần có kế hoạch nguồn hàng phù hợp, sắp xếp quản trị doanh nghiệp hiệu quả để tiết giảm chi phí hoạt động kinh doanh.

Trên thực tế, hằng năm có 2 đợt rà soát lại các yếu tố làm thay đổi cơ cấu giá xăng đó là vào đầu và giữa năm. Trên cơ sở rà soát đó, doanh nghiệp sẽ có kiến nghị đối với cơ quan quản lý. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra./.

Điều hành giảm tác động tăng giá xăng dầu đến sản xuất, kinh doanh

Với vai trò là cơ quan quản lý giá xăng dầu, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nhằm điều hành giá trong nước nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Việc sử dụng linh hoạt các giải pháp đã giảm thiểu sự tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19” - TS. Ngô Trí Long khẳng định./.