Lành mạnh thị trường xăng dầu

Đề cập đến việc điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công thương - Tài chính trong thời gian qua, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cả khi giá xăng dầu lên cao và đang có xu hướng giảm, liên bộ đã có sự hợp tác khá hiệu quả và nhịp nhàng. Từ đó giúp giá xăng dầu được điều chỉnh khá tốt.

Sau nhiều lần giảm giá, giá xăng dầu trong nước hiện đang ở mức 23-24.000 đồng mỗi lít, tạo dư địa cho sản xuất kinh doanh trong nước phát triển và hồi phục kinh tế.

Cây xăng tại Sơn La bị phát hiện và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Ảnh: CTV

"Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, liên bộ cũng có những biện pháp kiểm soát giá và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không để đứt gãy nguồn cung ứng. Việc công khai 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép của Bộ Công thương mới đây cho thấy quyết tâm của cơ quan nhà nước trong việc làm lành mạnh thị trường xăng dầu, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng"- TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm.

Bình luận về động thái xử lý 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, quyết liệt trong quản lý kinh doanh xăng dầu là rất cần thiết. “Điều này sẽ giúp tạo tiền đề tốt và gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm, thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương, chính sách của nhà nước xung quanh vấn đề kiểm soát lạm phát nói chung và giá xăng dầu nói riêng” – ông Phong nói.

Trước đó, trên Website "Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu" của Bộ Công thương đã đăng tải 7 doanh nghiệp đầu mối (xuất nhập khẩu) bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, do thiếu một số điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định như: Thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu các đại lý hoặc kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký…Động thái này được dư luận quan tâm và cho rằng, góp phần làm lành mạnh hoạt động kinh doanh, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7/2022); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7/2022); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7/2022); Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7/2022); Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7/2022); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7/2022); Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7/2022).

Xử phạt doanh nghiệp đầu mối không ảnh hưởng đến cung ứng xăng dầu

Việc "mạnh tay" xử lý doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu của Bộ Công thương được dư luận và các chuyên gia kinh tế ủng hộ nhưng cũng đặt ra câu hỏi, động thái này có ảnh hưởng đến nguồn cung ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân?

Trước thắc mắc này, ngày 13/8/2022, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương đã lên tiếng, xử phạt các đơn vị vi phạm kinh doanh xăng dầu không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Tổng cục QLTT thì đến nay, đơn vị đã xử phạt hành chính và tước quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu 7 công ty xăng dầu thời hạn từ 1 đến 3 tháng và 11 công ty bị xử phạt hành chính. Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu là duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định, nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hàng năm, hay không gửi đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công thương trước ngày 31/1 hàng năm và gửi đăng ký điều chỉnh khi có sự thay đổi hệ thống phân phối, không xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động...

Với các lỗi vi phạm này, 11 công ty này bị xử phạt hành chính với tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 1,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Kiên Giang bị xử lý vi phạm về niêm yết giá bán hàng. Ảnh: CTV

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước, giao Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để người có thẩm quyền xử phạt làm thủ tục giữ theo thời hạn tương ứng được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Nguyễn Đức Quyện - Thư kí Đoàn Thanh tra, Bộ Công thương cho biết, theo quy định của Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc tước giấy phép là quy định từ 1 - 3 tháng, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã ban hành quyết định xử phạt. Trong giấy phép kinh doanh có quy định là được quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, do vậy trong quyết định xử phạt hành chính nếu có hình thức tước giấy phép là tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Còn theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu là phải đảm bảo có 40 đại lý và 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu.

"Do đó, khi những thương nhân đầu mối này bị tước giấy phép kinh doanh, các cửa hàng, đại lý phải tìm nguồn cung thay thế nếu không sẽ phải đối diện với việc đóng cửa hàng, ngừng kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp, phân phối"- ông Nguyễn Đức Quyện nói.

Đồng thuận với quan điểm xử lý nghiệp vi phạm, theo ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, khi doanh nghiệp đã bị tước giấy phép cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng xem có đủ điều kiện hay không, nếu không đủ điều kiện thì dứt khoát phải thu hồi, để làm trong sạch, lành mạnh thị trường. Ngoài ra, việc hậu kiểm cần phải được triển khai quyết liệt và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.