Hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh
Toàn cảnh diễn đàn.

Cơ hội và thách thức

Tại diễn đàn, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định xu thế tất yếu của phát triển xanh, bền vững nền kinh tế được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Bà Yên cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, phát triển nhanh, bền vững và phát triển kinh tế xanh đó là: tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, cũng đồng thuận về tính tất yếu của phát triển xanh, bền vững. Điều này được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thể chế hoá bằng "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là: tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ông Nguyễn Đình Thọ phân tích, để thực hiện chiến lược của Chính phủ thì cần thực hiện mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế. Trong đó, các bộ, ngành, doanh nghiệp chú trọng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thọ cũng cảnh báo, các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khốc liệt, phức tạp và khó lường, thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19… là những thách thức không nhỏ trong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Chính phủ.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong quá trình số hóa, xanh hóa ngành dịch vụ.

Bên cạnh những thuận lợi về đường lối chính sách về xanh hoá nền kinh tế, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng tới đây quy tắc về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới.

Những quy tắc đó sẽ là rào cản lớn khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Theo đề xuất của bà Tạ Thị Yên, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế. Tiếp đến, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế, để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành cũng nêu quan điểm, bên cạnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, thì các doanh nghiệp cũng cần phải thấy rõ được bối cảnh, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển xanh để tự xác định, dự liệu chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án của chính doanh nghiệp mình để nắm bắt được cơ hội, vượt qua được những khó khăn, thách thức, có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Mục tiêu giảm mạnh phát thải khí nhà kính

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu cụ thể về giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP: phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.