Hơn 2.400 mã sản phẩm được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc
Tính đến ngày 5/12, có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Ảnh: TL

Thông tin tại diễn đàn, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau gần 1 năm thực hiện Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến ngày 5/12, có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%); phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền.

Trong số hai nhóm này, sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...) và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...

Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải tuân thủ những quy định mới. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Việc xây dựng mã số vùng trồng đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng. Không những vậy, còn có doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ Lệnh 248 và 249 nên khi triển khai đăng ký còn nhiều lúng túng, dẫn đến chậm thông quan... Công tác triển khai, thực hiện cấp mã số đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, từ đó dẫn đến việc khó quản lý các vùng trồng...

Tại diễn đàn, các đại biểu kiến nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể việc cấp, quản lý mã số vùng trồng để địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cùng phối hợp để tạo dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng bảo đảm chất lượng, sản lượng khi cung ứng cho đối tác Trung Quốc.../.